Hà Nội sẽ có thêm 5 quận mới, chốt phương án giảm 61 xã, phường
Theo đề án chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của TP Hà Nội, số đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội sẽ là 518 đơn vị, giảm 61 đơn vị so với trước khi sắp xếp.
Trong đó, thành phố đề nghị không sắp xếp các đơn vị hành chính đối với quận Hoàn Kiếm. Nguyên nhân là bởi quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hoá của thành phố Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ. Hơn nữa, quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc được chia ra làm 3 khu vực chính: khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ đã giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay.
Ngoài ra, từ năm 1995, Trung ương và thành phố đã phê duyệt 4 đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này. Do đó, nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Bên cạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, TP Hà Nội hiện đang thực hiện nhiệm vụ “Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận”, xây dựng đồng thời các đề án.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận. Còn với các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, hiện thành phố đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Được biết, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang phối hợp với hai huyện để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.
Mặc dù đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính, tuy nhiên, 3 huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng lại chưa đạt tiêu chí xã thành phường. Cùng với đó, các tiêu chí thuộc nhóm “cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội” và “hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị” đều chưa đạt 100%, cũng chưa hoàn thành đánh giá.
Để đảm bảo và bổ trợ cho tiến trình lên quận vào năm sau, Đông Anh và Gia Lâm sẽ là 2 địa phương được đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư, triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm.
Loạt dự án hạ tầng bổ trợ cho tiến trình lên quận của Đông Anh và Gia Lâm
Tại Đông Anh, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên cũng vừa được lập báo cáo.
Tuyến đường có tổng chiều dài 2,2 km, nằm trên địa bàn xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2022. Điểm đầu tuyến giao với đường quy hoạch tại phía bắc thôn Cán Khê; điểm cuối giao với đường gom đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án là 245 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2025 đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội – Lào Cai (3,7 km; 1.239 tỷ đồng); Tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm dài 5,9 km; quy mô 1.303 tỷ đồng; Tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 dài 3,8 km; tổng 1.204 tỷ đồng; Đường LK51 đoạn từ quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ dài 5,7 km; 1.168 tỷ đồng).
Đáng chú ý, giai đoạn 2023 – 2028, Đông Anh sẽ thực hiện xây dựng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn huyện dài 14,9 km, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Điểm đầu nằm tại nút giao cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt. Tuyến đường đi qua địa bàn 9 xã thuộc Đông Anh, bao gồm: Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê, Bắc Hồng và Nam Hồng.
Giai đoạn 2023 – 2027, huyện dự chi 800 tỷ đồng xây dựng 3 tuyến đường ngoài hàng rào kết nối với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3)….
Tại Gia Lâm, theo bản đồ quy hoạch giai đoạn 2021-2030, huyện có gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư, trong đó, có nhiều các công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận.
Dự kiến huyện sẽ có tất cả 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống. Mới đây, cầu Vĩnh Tuy 2 có chiều dài 3,5km, rộng gần 20m, với 4 làn xe vừa đi vào hoạt động, góp phần kết nối với đường Vành đai 2 trên cao, tạo ra trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông bắc thành phố.
Ngoài ra, còn có các cây cầu lớn khác bắc qua sông Hồng như: Cầu Ngọc Hồi (chạy qua sông Hồng đến xã Văn Đức, Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên)…
Cùng với đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông tại Gia Lâm đã hoàn thiện như: Nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… mở ra nhiều trục giao thông xuyên suốt khu vực phía Đông với các quận huyện, tỉnh, thành lân cận.
Dự kiến giai đoạn 2020-2050, sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) – Yên Viên – Như Quỳnh và số 8 Sơn Động (Hoài Đức) – Mai Dịch – Dương Xá đi qua địa phận huyện Gia Lâm.
Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có 4 tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: Đường đê Long Biên – Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội – Hưng Yên), Quốc lộ 17, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 (cũ) kết nối với Hưng Yên, hải Phòng.
Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn.
Trong tương lai, sẽ có nhiều tuyến đường sẽ mở qua Gia Lâm như Vành đai 3.5, loạt tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng, đường gom Quốc lộ 3 trị giá 135 tỷ đồng, đường 179 dọc đê Phù Đổng gần 180 tỷ đồng,… Hai tuyến metro kết hợp với các tuyến đường trọng điểm, các cây cầu sắp xây cũng sẽ giúp việc lưu thông giữa Gia Lâm với nội đô và các địa phương lân cận trở nên thuận tiện hơn.