Thứ tư, Tháng Một 15, 2025

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

-

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện tờ trình Chính phủ, kiến nghị 2 phương án: Phương án thứ nhất, kéo dài việc miễn thuế từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2030; và phương án thứ hai từ 1/1/2026 đến hết 31/12/2035. Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ nhất.

Dự kiến chủ trương này sẽ được Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề nghị bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 vào tháng 9/2024. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Đánh giá về 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), Bộ Tài chính cho biết, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng. Việc miễn giảm thuế SDĐNN còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp…

Trong 20 năm qua, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm trong giai đoạn 2003 – 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 – 2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 – 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Trước những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới như quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị quyết để kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong 5 năm, kể từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Sở dĩ chọn mốc 5 năm thay vì 10 năm là do Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau. 

Cùng với đó là tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 đã chậm lại đáng kể. Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021-2025 của Quốc hội, việc đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% là rất khó khăn. 

Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế trong thời hạn 5 năm 2026 – 2030 sẽ góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm. 

Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 5 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh chính sách thuế đối với đất nông nghiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người nông dân.

Tuy nhiên, với mức ưu đãi 5 năm thì khó có thể thu hút được các dự án đầu tư vào nông nghiệp dài hạn. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất thêm phương án miễn thuế SDĐNN trong vòng 10 năm tới, kể từ ngày 01/01/2026 – 01/01/2016. Song phương án này được đánh giá không khả thi vì bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường, trong trường hợp cần thiết sẽ khó có thể điều chỉnh chính sách khi cần phải có chính sách thuế để điều tiết. Bên cạnh đó, thời gian miễn thuế dài sẽ tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.

Hiện Bộ Tài chính đang nghiêng về giải pháp thứ nhất là tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và thời gian miễn thuế sẽ áp dụng trong 5 năm để phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp, đời sống khu vực nông thôn và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories