Sự sôi động ban ngày tại các điểm đến nổi tiếng như Ghềnh Đá Đĩa, Bãi Xép hoàn toàn tương phản với sự yên ắng của thành phố khi đêm xuống. Khoảng trống khổng lồ trong ngành dịch vụ này đang mở ra một cơ hội đầu tư trị giá hàng ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhạy bén.
Nền tảng vững chắc nhưng dịch vụ chưa tương xứng
Không thể phủ nhận, vùng đất này sở hữu một nền tảng du lịch vững chắc. Chỉ riêng trong năm 2024, khu vực Phú Yên (cũ) đã đón gần 4 triệu lượt khách, mang về doanh thu du lịch khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2023. Sức hút này đến từ những kỳ quan thiên nhiên độc đáo như Ghềnh Đá Đĩa, Mũi Điện, Vịnh Xuân Đài… kết hợp cùng chiều sâu văn hoá của di sản Bài chòi hay các làng chài ven biển.
Đặc biệt, với sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông, khoảng cách địa lý đang dần được xoá nhoà. Việc di chuyển dễ dàng bằng đường hàng không và đường bộ đã đưa vùng biển này vào “tầm ngắm” của du khách từ các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM và Hà Nội, tạo ra một “cú hích” khổng lồ cho thị trường. Tiềm năng của thị trường lúc này được “bảo chứng kép” bởi sức hút nội tại của một miền di sản và một tệp du khách hoàn toàn mới, có mức chi tiêu cao và nhu cầu trải nghiệm đa dạng. Tuy nhiên, sự phát triển của các dịch vụ tiện ích lại đang đi sau sự tăng trưởng này một bước.
Những “khoảng trống” nghìn tỷ đang chờ được lấp đầy
Theo các chuyên gia, có ít nhất bốn mảng dịch vụ lớn đang là “mảnh đất màu mỡ”. Nếu tính toán dựa trên mục tiêu đón 7 triệu lượt khách vào năm 2030 trong Đề án phát triển du lịch, với mức chi tiêu trung bình chỉ cần tăng thêm, dung lượng thị trường dịch vụ có thể tạo ra doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng.
Thứ nhất, đó là “khoảng trống” khổng lồ của kinh tế đêm. Thực tế cho thấy, du khách lưu trú tại các resort ở phường Bình Kiến hay trung tâm phường Tuy Hoà có rất ít lựa chọn giải trí sau 9 giờ tối. Việc thiếu vắng các khu bar/pub ven biển, các tụ điểm âm nhạc, chợ đêm hải sản và quảng trường lễ hội đang làm giảm đáng kể mức chi tiêu và trải nghiệm của du khách.
Thứ hai, là sự thiếu vắng những khu phố thương mại, mua sắm đúng nghĩa. Dù là trung tâm hành chính-kinh tế mới, phường Tuy Hoà vẫn chưa có các tuyến phố mua sắm, ẩm thực được quy hoạch bài bản. “Đây là cơ hội vàng cho mô hình shophouse đa chức năng, vừa để ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê, đón đầu dòng khách có nhu cầu chi tiêu cao”, một chuyên gia bất động sản nhận định. Các dự án được quy hoạch để trở thành “đại lộ thương mại giữa trung tâm thành phố Tuy Hoà” sẽ có tiềm năng khai thác rất lớn.
Thứ ba, là các dịch vụ trải nghiệm chuyên sâu. Du khách hiện đại không còn chỉ muốn “cưỡi ngựa xem hoa”. Họ sẵn sàng trả tiền cho các tour lặn biển ngắm san hô chuyên nghiệp tại Hòn Chùa, Hòn Yến; các tour ẩm thực khám phá Đầm Ô Loan; hay các tour trekking, chăm sóc sức khoẻ… nhưng số lượng các đơn vị tổ chức bài bản hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cuối cùng, là dịch vụ vận tải hành khách chất lượng cao. Việc các điểm tham quan nổi tiếng khá xa nhau đang tạo ra nhu cầu lớn về các dịch vụ vận tải tiện lợi, an toàn như xe bus du lịch (shuttle bus) kết nối các điểm, dịch vụ cho thuê xe tự lái hay du thuyền khám phá vịnh.

Sôi động về đêm vẫn còn là khoảng trống cần được lấp đầy tại các khu du lịch (ảnh minh hoạ)
Cơ hội cho nhà đầu tư đi trước đón đầu
Việc thay đổi đơn vị hành chính đã tạo ra một thị trường hoàn toàn mới, mang lại lợi thế cực lớn cho những người tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ. Hơn nữa, sự hậu thuẫn từ quy hoạch của chính quyền là rất rõ ràng. Việc phân chia 3 phường với chức năng chuyên biệt giúp nhà đầu tư định vị rõ chiến lược. Quy hoạch sử dụng đất cũng đã dành ra quỹ đất đáng kể cho “thương mại dịch vụ, du lịch”, cụ thể là 558,56 ha, tạo hành lang pháp lý an toàn.
Việc đầu tư vào dịch vụ lúc này là đầu tư vào một thị trường có nhu cầu thật, được bảo chứng bởi cả sức hút nội tại đã được kiểm chứng và tiềm năng khổng lồ từ siêu vùng kinh tế mới.
Bài toán “chi tiêu của du khách” đang chờ những lời giải xứng tầm. “Mỏ vàng” thực sự trong giai đoạn tới không chỉ nằm ở bất động sản lưu trú, mà nằm ở khả năng kiến tạo một hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh cho “cửa ngõ ra biển” của Tây Nguyên. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có tầm nhìn, những người muốn trở thành “nhạc trưởng” kiến tạo nên nhịp sống mới sôi động và thịnh vượng cho vùng đất này.