Nhìn từ trên cao, tổ hợp vang bóng một thời Cao – Xà – Lá còn lại những xưởng sản xuất cũ kỹ, trước cửa các công ty là cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm. Có lô đất bỏ hoang nhiều năm trở thành nơi tập kết máy móc và thiết bị xây dựng.
Video: Hiện trạng 3 nhà máy trong tổ hợp Cao – Xà – Lá
Người dân Thủ đô thường “định danh” Cao – Xà – Lá để nói về tổ hợp công nghiệp lớn nhất một thời, gồm 3 nhà máy cao su – xà phòng – thuốc lá trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).
Nhà máy Cao su Sao Vàng (số 231 Nguyễn Trãi) nổi tiếng một thời. Nhà máy chuyên sản xuất các loại săm lốp và các sản phẩm cao su kỹ thuật.
Đây là nhà máy ra đời sớm nhất ngành công nghiệp cao su Việt Nam và trở thành thương hiệu quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Hiện tại, nhà máy vẫn sản xuất bình thường.
Nhà máy Cao su Sao Vàng từ lâu đã nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô Hà Nội, tuy nhiên đến nay vẫn “án binh bất động”. Hằng ngày, nhà máy vẫn nhả khói ra môi trường.
Nằm cạnh Nhà máy Cao su Sao Vàng là nhà máy Xà phòng Hà Nội được xây dựng từ năm 1958. Nhà máy chuyên sản xuất chất tẩy rửa tổng hợp như xà phòng, nước rửa bát, nước giặt, xà bông, kem đánh răng, xà phòng thơm…
Hiện khu đất đang được dùng để vật liệu xây dựng, máy móc… Phía bên ngoài, hiện đang được quây rào.
Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (số 235 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) có diện tích hơn 64.000m2, gồm có hệ thống nhà kho, khu để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm.
Theo ước tính, mỗi năm nhà máy thuốc lá Thăng Long sản xuất ra 1 tỷ bao thuốc lá.
Ngày 8/8/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Trọng Đông đã ký quyết định ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố (đợt 1). Trong đó, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long là 1 trong 9 địa điểm phải di dời khỏi nội đô trong 5 năm tới do không phù hợp quy hoạch.
Hằng ngày tại nhà máy vẫn có người ra người vào nhưng không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh các nhà máy trên, khu vực này còn có các nhà máy lớn như nhà máy Bóng đèn Rạng Đông, công ty giày Thượng Đình. Khu đất của Công ty Giầy Thượng Đình tại địa chỉ 277 Nguyễn Trãi có diện tích 36.105m2, nằm gần đường Vành Đai 3.
Công ty Giầy Thượng Đình cũng thuộc diện phải di dời ra nội đô. (Ảnh: Thanh Hiếu).
Về nhà máy Rạng Đông, sau vụ cháy năm 2019, nhà máy đã di dời một phần sản xuất về Quế Võ (Bắc Ninh). Đến hiện tại cơ sở ở Hà Nội (số 87-89 phố Hạ Đình) vẫn hoạt động mua bán các sản phẩm.
Theo UBND TP Hà Nội, tại quận Thanh Xuân, phường Thượng Đình có nhiều nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời. Tại phường Thanh Xuân Trung, ngoài nhiều trường đại học và hơn 2.500 doanh nghiệp kinh doanh, địa phương còn có nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình thuộc diện di dời. Sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người, đạt 320% so với tiêu chuẩn.