Quảng Ninh vừa công bố danh sách 8 công trình có giá trị kiến trúc đặc biệt ở Hạ Long. Trong đó có những công trình được xây dựng cách đây hàng trăm năm và có những công trình mang tính biểu tượng của thành phố này.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định phê duyệt danh mục 8 công trình có giá trị kiến trúc trên địa bàn TP Hạ Long. Trong số này có hai công trình có giá trị kiến trúc loại 2 và 6 công trình có giá trị kiến trúc loại 3.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc phê duyệt các công trình có giá trị kiến trúc trên là nhằm hỗ trợ công tác quản lý, theo dõi, giảm sát hiệu quả, đồng thời là nguồn tư liệu để xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến với địa phương.
Đây cũng là căn cứ để đề xuất các giải pháp bảo vệ, các ý tưởng kiến trúc cảnh quan phát huy giá trị các công trình mang đặc trưng của Hạ Long trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị, đảm bảo phát triển bền vững.
Cầu Bãi Cháy bắc qua vịnh Cửa Lục – được ví là “Cung đàn Hạ Long” – được khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 2.12.2006, do các đơn vị của Nhật Bản thiết kế và thi công. Ngoài kiến trúc đẹp, công trình có độ cao tĩnh không 50m và có khả năng chịu đựng được động đất cấp 7, gió bão và sự thay đổi nhiệt độ thất thường của khí hậu khắc nghiệt.
Trong khi đó, trụ sở của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh hiện nay được người Pháp xây dựng năm 1896 và là nhà làm việc của một chủ mỏ lớn người Pháp. Công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc cổ điển Đông – Tây giao thoa tạo nên một màu sắc văn hóa rất riêng chỉ có ở Việt Nam. Công trình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn cả về hình hài, kiến trúc bên trong và bên ngoài, cửa, cầu thang, ván sàn gỗ lim…
Nhà thờ Hòn Gai tọa lạc trên Núi Đào, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long. Được xây dựng từ năm 1933, nhìn ra núi Bài Thơ nhưng bị phá hủy vào năm 1967. Mãi đến năm 1998, giáo xứ Hòn Gai mới có điều kiện xây dựng nhà thờ mới khang trang.
Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh (thường được gọi là Cung Cá heo) được khánh thành và đón khách từ tháng 10.2016. Cung Cá heo có chiều cao 21,5m, tổng diện tích xây dựng 20.700m2, diện tích sàn 31.194m2, do kiến trúc sư người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo thiết kế.
Ngay bên cạnh Cung Cá heo là Bảo tàng – Thư viện tỉnh Quảng Ninh, cũng do kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo thiết kế, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Hạ Long. Công trình được xây dựng trên diện tích 24.000m2, được đưa vào phục vụ du khách từ năm 2013. Kiến trúc sư đã lấy cảm hứng từ hình tượng than đá – loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh – để thiết kế công trình này.
Đặc biệt, phần ngoài của tòa nhà được bảo bọc bởi 14.000m2 kính cường lực màu đen và thay đổi màu sắc theo thời gian, thời tiết, khung cảnh bên ngoài…
Cột đồng hồ giữa trung tâm Hạ Long được khởi công xây dựng cuối năm 2016 và hoàn thành cuối tháng 3.2017. Công trình cao 28m, được lấy ý tưởng từ quá trình hình thành than đá của Quảng Ninh, toàn bộ mặt ngoài được thiết kế bằng kính cường lực màu vàng. Theo thiết kế, Cột đồng hồ có kết cấu bằng 53 khối đá lớn nhỏ, bên trong là thép, bên ngoài là kính, phía trên gắn hệ thống đồng hồ chỉ thời gian của Việt Nam và một số nước khác. Phía dưới là đài phun nước và hệ thống chiếu sáng.
Cầu Bình Minh bắc qua vịnh Cửa Lục nối hai khu vực Hạ Long – Hoành Bồ sau 4 năm sáp nhập. Cầu có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2023.
Cầu tình yêu Hạ Long là một trong những công trình trọng điểm, có vai trò quan trọng, được xây dựng năm 2021, nối liền giữa hai bờ vịnh Cửa Lục. Dự án được phê duyệt và bước vào giai đoạn xây dựng từ tháng 4/2021 tới tháng 12/2021 khi hoàn thành. Cây cầu được thiết kế với vòm ống thép nhồi bê tông rộng 33.1m và dài 290m. Tổng chiều dài toàn tuyến của cây cầu là 4.265m với tổng mức đầu tư lên tới 210 tỷ đồng.