Video: Bãi biển thành “vỉa hè resort”
Tình trạng các dự án độc chiếm bãi biển diễn ra khắp các bờ biển Bình Định, Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Phan Thiết (Bình Thuận)…
Các dự án chắn tầm nhìn ra biển và cũng bịt luôn đường ra biển của khách du lịch phổ thông, người dân bản địa, ngư dân và cả cộng đồng. Nhiều nơi, người dân phải đi tắm biển “chui” khi mặt tiền ấy đã có sở hữu.
Không chỉ là chuyện cảnh quan và chuyện tắm biển, hay dạo chơi, mà biển còn là kế sinh nhai của nhiều ngư dân đã sống ở đây, qua nhiều đời…
Bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ dài 6 km, từ phường Mỹ Hải (TP Phan Rang – Tháp Chàm) đến thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) là một trong những bãi biển có vẻ đẹp tự nhiên nhất cả nước.
Thế nhưng, từ nhiều năm nay, hàng loạt resort, khách sạn mọc lên án ngữ ngay mặt bãi biển này, khiến người dân cảm thấy ngột ngạt.
Bãi biển thuộc các khu resort hầu như không một bóng người dân lai vãng mà chủ yếu là khách của resort. Tại khu vực bãi biển gần khu resort Aniise, một phần bãi cát rộng hơn 30 m tính từ cổng resort trở ra đã bị chủ dự án cho trồng dừa phủ kín để khách của resort sử dụng.
Trong ký ức của người dân phường Mỹ Hải vẫn nhớ như in những ngày khi bờ biển Bình Sơn – Ninh Chữ chưa có bóng dáng của các khu resort.
” Biển sạch lắm, người dân trong phường muốn đi tắm đoạn nào cũng được, chỉ cần vài bước chân là ra đến biển. Lúc đó, biển mới thật sự là của người dân. Người dân vẫn thường xuyên kéo nhau ra đây để cắm trại, tắm biển, vui chơi, giải trí ” – ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ phường Mỹ Hải) nói.
Thế nhưng từ năm 2000, công cuộc “resort hóa bãi biển” diễn ra. Người dân không còn tự do tham quan, tắm biển, các lối xuống biển lọt vào resort, khu du lịch.
Mở đầu là việc tỉnh Ninh Thuận thu hồi 8 ha đất lâm nghiệp thuộc bãi biển này do Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa quản lý, giao Công ty TNHH Hoàn Cầu để trồng, bảo vệ rừng và đầu tư khu vui chơi giải trí. Được giao đất, công ty này bắt đầu rào kín tường bao, độc chiếm bãi biển và “bức tử” rừng phi lao để xây dựng resort.
Liên tiếp những năm sau đó, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục cấp phép đầu tư cho hàng loạt dự án du lịch như: Paven, Đông Dương, Phú Thuận, Bàu Trúc, Con Gà Vàng, Thái Bình Dương…, với ít nhất trên 30 ha bãi biển. Sau khi được giao đất, chủ đầu tư các dự án du lịch cũng đã cho xây tường rào bao quanh, chiếm hết bãi biển.
Không những thế, có doanh nghiệp còn cho mình quyền “khai tử” rừng phi lao chắn cát ven biển khi chưa được phép.
Theo đó, cuối tháng 5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức kiểm tra dự án Ninh Chữ Sailing Bay phát hiện sự việc hơn 1 ha rừng phi lao ven biển bị chủ đầu tư (Công ty cổ phẩn Ninh Chữ Bay) tự ý chặt hạ.
Cơ quan chức năng xác định thời gian rừng phi lao bị chặt hạ trong khoảng từ ngày đầu tháng 5//2022 đến giữa tháng 5/2022. Đây là khối tài sản công chưa được đưa ra đấu giá nhưng Công ty cổ phần Ninh Chữ Bay đã tự ý chặt hạ.
Thời điểm cơ quan chức năng phát hiện sự việc, công ty trên đã sử dụng một phần số cây phi lao để làm vật liệu chống đỡ, phần còn lại đã mối mọt.
Ngày 30/5/2023, sau gần một tuần bị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát hiện sự việc tự ý cưa 1 ha rừng phi lao, công ty trên mới có văn bản đề nghị mua lại toàn bộ số lâm sản đã tự ý cưa hạ…
Du khách Nguyễn Văn Hà than thở: ” Năm nào gia đình tôi cũng về Ninh Thuận nghỉ dưỡng vài lần. Trước kia khu vực này thoáng đãng, nước biển xanh ngắt sạch sẽ, phi lao xanh mướt mát mẻ. Giờ cả đoạn bờ biển dài bị các resort chiếm hết. Muốn đi xuống biển hay ra khu vực biển ngoài xa rất khó khăn, tầm nhìn cũng bị hạn chế, phải xuống tận bãi cát mới được ngắm biển “.
Tại Bình Định, dọc theo tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, những hàng rào dây thép gai được dựng lên làm ranh giới. Trên những tấm tôn được quây làm bờ rào ngăn cách khu vực dự án với quốc lộ là những mô hình căn hộ, các loại hình vui chơi, nghỉ dưỡng, được quảng cáo là nơi nghỉ ngơi, thư giãn mang đẳng cấp của các khu du lịch biển quốc tế.
Tuy nhiên, bên trong những tấm biển “Không phận sự, miễn vào” là công trường ngổn ngang, nhiều dự án đã tiến hành xây dựng vượt thiết kế, sai quy hoạch, lấn biển, chặn đường xuống biển của cư dân và can thiệp thô bạo tới thiên nhiên.
Giữa năm 2020, Sở Xây dựng Bình Định kiểm tra 8/19 điểm du lịch, dịch vụ tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu (các điểm còn lại chưa triển khai xây dựng), thì có đến 7 điểm thi công xây dựng sai so với hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng được cấp.
Khu nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài Quy Nhơn, Avani Quy Nhơn, Ami resort & Spa được xây liền nhau và không chừa một khoảng trống nào để tạo con đường nhỏ cho người dân xuống biển.
Nhiều người phản ánh, doanh nghiệp đã tự ý rào dây thép gai chặn hết các lối đi khiến họ phải “lén lút” chui qua hàng rào để xuống biển và nếu gặp bảo vệ của khu nghỉ dưỡng thì họ bị đuổi ra ngoài.
Nghĩa là chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng đã tự cho mình cái quyền chiếm hữu biển như một tài sản riêng và không cho ai được sử dụng chung.
Ông Hạnh, một người dân sinh sống ở khu vực 1, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cho biết, trước đây chưa có các công trình dự án, con đường xuống bãi Chồn đi lại rất dễ dàng. Con đường dân sinh đã được hình thành từ năm 1968, nhưng nay không còn nữa bởi chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng đã rào chắn hết. Ngày trước, đây còn là nơi người dân để ghe, tàu thuyền.
“ Họ không chỉ xây bít đường đi lối lại mà còn xây dựng công trình lấn biển và vi phạm hành lang an toàn quốc lộ 1D ”, ông Hạnh bức xúc.
Hay như câu chuyện Khu Du lịch Trung Lương (xã Cát Tiến, Phù Cát, Bình Định) xây dựng tường rào, chắn lối xuống biển, gây nhiều bức xúc đối với người dân địa phương.
Bờ biển Trung Lương là nơi tập trung hàng trăm chiếc thuyền, thúng để ngư dân thị trấn Cát Tiến đánh bắt hải sản gần bờ. Tuy nhiên, từ giữa năm 2023, Khu du lịch Trung Lương đã xây dựng tường rào, làm cổng ngõ ngay từ đầu tuyến đường mòn duy nhất xuống bãi biển này, thường xuyên đóng cổng chắn lối đi, người dân không thể ra vào khu vực này để đi đánh bắt.
Nhiều ngư dân cho biết, trước kia họ di chuyển bằng con đường mòn nối từ đường ĐT639 xuống bãi Nhỏ (sau KDL Trung Lương) để đi khai thác. Đây là con đường duy nhất hiện nay người dân có thể xuống khu vực bờ biển để di chuyển thuyền thúng đi đánh bắt cũng như vận chuyển hải sản lên bờ để buôn bán. Tuy nhiên, Khu du lịch Trung Lương đã xây dựng tường rào, thường xuyên đóng cổng chắn lối đi, người dân không thể ra vào khu vực này để đi đánh bắt.
Khu đất mà Khu du lịch Trung Lương xây tường bao rào chắn lối xuống biển của người dân đã được UBND tỉnh Bình Định cho Công ty TNHH Du lịch Trung Hội thuê để đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch Trung Lương với tổng diện tích 41,8 ha. Mục đích của dự án là kinh doanh dịch vụ và nghỉ dưỡng, villa cao cấp kết hợp du lịch sinh thái và các loại hình giải trí, thể thao leo núi, dịch vụ đa năng; Thời gian hoạt động dự án 50 năm, kể từ năm 2014.
Cuối tháng 7/2023, khoảng 60 ngư dân kéo đến trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến yêu cầu chính quyền địa phương, UBND huyện Phù Cát và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định có biện pháp can thiệp giúp ngư dân đi lại, đánh bắt và vận chuyển hải sản được thuận lợi.
Sau đó, UBND huyện Phù Cát cùng BQL khu kinh tế tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Du lịch Trung Hội, UBND thị trấn Cát Tiến và một số hộ dân cùng kiểm tra hiện trường, làm việc để thống nhất phương án xử lý. Qua cuộc họp, UBND huyện Phù Cát ghi nhận việc kiến nghị của bà con ngư dân về một lối đi thuận lợi để vận chuyển hải sản là chính đáng và hợp lý.
Đến nay, tuy dự án đã mở cổng để người dân có lối đi xuống biển, nhưng đó cũng chỉ là phương án tạm thời.
Bình Thuận là địa phương có chiều dài bờ biển tới 192 km, với rất nhiều khu du lịch. Tuy nhiên hiện nay, việc quy hoạch bãi biển công cộng dùng chung cho người dân chưa nhiều.
Chỉ tính riêng ở khu du lịch quốc gia Mũi Né (TP Phan Thiết) hiện nay, nơi có lượng khách đến đông nhất của cả tỉnh Bình Thuận, thì bãi tắm dùng chung cũng rất hiếm.
Năm 2014, khu du lịch quốc gia Mũi Né được bình chọn đứng thứ 2 trong top những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á (theo trang Canadian Traveller), top 10 bãi biển ấn tượng của châu Á – Thái Bình Dương (theo Skyscanner) và là 1 trong 6 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam (tạp chí du lịch Rough Guides).
Đây cũng là địa phương xuất hiện một trong những resort đầu tiên trên cả nước vào năm 2005.
Đến nay, chỉ tính khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né kéo dài hơn 10 km với trên 130 resort, trong đó khoảng 70% tọa lạc phía biển. Hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi khu du lịch này hình thành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đổ xô đến đây đầu tư. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, resort mọc lên như nấm.
Do khi chấp thuận cho nhà đầu tư thuê đất để kinh doanh du lịch, tỉnh Bình Thuận đã không tính đến quy hoạch các con đường ngang xuống bãi biển mà cấp phép cho các resort liền kề nhau. Do vậy, số đường ngang xuống bãi biển hơn 10 km dọc khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do vậy, dù bãi biển là của chung nhưng thực chất chỉ phục vụ cho việc kinh doanh của resort tiếp giáp mặt biển. Những khách sạn phía tây (bên kia đường Nguyễn Đình Chiểu) dù chỉ cách con đường vài chục mét, nhưng phải đi vòng rất xa mới có đường xuống biển để “tắm ké”.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, chỉ tính từ giữa năm 2011 đến giữa 2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận 56 dự án du lịch có phần diện tích tại khu vực ven biển, với diện tích đất sử dụng hơn 1.039 ha (phần diện tích đất giáp biển 618 ha, chiếm 59%), trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động, 08 dự án đang triển khai xây dựng và 23 dự án chưa triển khai hoạt động.
Riêng trên địa bàn TP Phan Thiết có 23 dự án, diện tích sử dụng đất hơn 324 ha (phần diện tích đất phía biển 119,77 ha, chiếm 37%) trong đó có 14 dự án đã kinh doanh hoạt động, diện tích đất sử dụng 18 ha.
Trên thực tế, một số công trình, dự án đã đầu tư xây dựng phía biển, ảnh hưởng đáng kể đến cảnh quan và hạn chế khả năng tiếp cận biển của người dân và du khách. Từ thực trạng trên, ông Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu không thực hiện việc cấp phép mới các công trình, dự án ven biển.
Tại Khánh Hòa, khu vực dọc theo phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang) với tổng chiều dài khoảng 15 km, diện tích khoảng 240 ha, cách đây hơn 10 năm đã phải oằn lưng gánh quá nhiều dự án che khuất tầm nhìn…
Đầu tháng 6/2013, dù chưa được cấp phép nhưng chi nhánh của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên – khách sạn Mường Thanh Nha Trang, thuộc Tập đoàn Mường Thanh, ngang nhiên đào, lấp khu vực biển thuộc phường Vĩnh Hòa để làm bãi tắm.
Sau khi sự việc xảy ra, báo chí phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa mới vào cuộc và yêu cầu Mường Thanh dừng việc lấp biển. Đến cuối năm 2015, dư luận bức xúc trước việc dự án Nha Trang Sao đổ đất, đá làm bờ kè và lấn biển ngoài ranh giới được cấp phép tới 22.968 m2. Khi sự việc đã rồi, cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử phạt Nha Trang Sao tổng cộng 200 triệu đồng.
Dọc khu vực Bãi Tiên, kéo dài gần 2 km ở đoạn cuối đường Phạm Văn Đồng khi đó đã xuất hiện hàng loạt dự án. Phần lớn đã cho đổ hàng ngàn khối đá để lấn biển, làm bờ kè hoặc mở rộng không gian của dự án để xây cất.
Bức xúc trước những hành vi san lấp mặt bằng, lấp biển của các chủ đầu tư dự án, ông Phạm Văn Chi – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – từng phát biểu với báo chí:
“ Đường Trần Phú nối dài, nay là đường Phạm Văn Đồng là công trình mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trước đây rất tâm huyết và kỳ vọng sẽ trở thành một “cung đường du lịch” hoàn hảo với tất cả vẻ hoang sơ của nó, tạo nên những sản phẩm độc đáo cho du lịch Khánh Hòa. Thế nhưng, những dự án đang được cấp phép tại đây đang tàn phá biển, che chắn hết cảnh quan và tầm nhìn ra biển, làm mất hết vẻ đẹp của TP Nha Trang ”.
Chính phủ đã có quy định hành lang biển 50 m từ mặt biển không được giao cho nhà đầu tư, không được xây dựng, để diện tích này là khu vực công cộng. Tuy nhiên, ở Nha Trang, và rất nhiều nơi khác, hành lang này vẫn bị xâm phạm và tiếp tục bị xâm phạm.
Hệ thống resort ven biển nước ta, tuy có đóng góp vào phát triển kinh tế, vẫn đang xâm hại môi trường thiên nhiên và tác động tiêu cực đến lợi ích, cuộc sống của người dân và văn hóa bản địa….
Bờ biển đẹp, resort nghỉ dưỡng nhăm nhe, người dân sống cạnh biển mất dần không gian kết nối với biển. Cuộc “hôn phối” thiếu tầm nhìn, thiếu liên kết sẽ là những “mất – mất” ở cả hai phía.
Con đường du lịch ven biển Bắc – Nam, “kỳ quan” chưa kịp kết nối để tỏa sáng đã đứt gãy theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.