Mới đây, văn phòng UBND Thành phố ban hành công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn về việc khẩn trương, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị khởi công năm 2025.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu các Sở, ngành Thành phố, UBND các xã, phường, đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Thông báo số 414/TB-VP ngày 08/7/2025 của Văn phòng UBND Thành phố, đảm bảo tiến độ khởi công các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị khởi công năm 2025: Tuyến số 2, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo vào ngày 10/10/2025 và Tuyến số 5, Văn Cao – Hòa Lạc vào ngày 19/12/2025.
Cụ thể, Tuyến metro số 2 ( đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) có chiều dài 11,5 km, gồm 8,9 km đi ngầm và 2,6 km đi trên cao, với tổng cộng 10 ga (7 ga ngầm và 3 ga trên cao). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 35.600 tỷ đồng
Tuyến sẽ đi qua các tuyến đường chính gồm: Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài, kết thúc tại phố Trần Hưng Đạo.
Tuyến metro số 5 kết nối khu vực trung tâm Thủ đô với đô thị vệ tinh Hòa Lạc
Tuyến metro số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 61.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,4 tỷ USD), với tổng chiều dài gần 39km. Tuyến bao gồm 21 nhà ga, trong đó có khoảng 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất.
Điểm đầu đặt tại ngã tư Văn Cao – Hoàng Hoa Thám, điểm cuối cách ngã tư Hòa Lạc khoảng 5km về phía Phú Thọ (thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình cũ).

Đây là tuyến metro có quy mô vốn đầu tư và chiều dài lớn nhất trong số 8 tuyến đường sắt đô thị đã được quy hoạch tại Hà Nội đến năm 2030.
Theo quy hoạch, tuyến metro số 5 là một trong những dự án đường sắt đô thị trọng điểm, đóng vai trò kết nối khu vực trung tâm Thủ đô với đô thị vệ tinh Hòa Lạc – đô thị vệ tinh lớn nhất trong tổng số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Việc sớm triển khai tuyến số 5 được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, thúc đẩy kết nối vùng và phát triển bền vững mạng lưới đô thị của Thủ đô trong dài hạn.
Hồi đầu tháng 1/2024, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cùng Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã ký kết bản ghi nhớ để hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, cùng với tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc).
Tập đoàn xây dựng hàng đầu Trung Quốc cùng Vingroup xây cầu Tứ Liên đánh tiếng tham gia
Đến tháng 6/2024, trong khuôn khổ Hội nghị WEF Đại Liên 2024, lãnh đạo Tập đoàn này cho biết đang tham gia nghiên cứu nhiều dự án lớn, trong đó có đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc.
Hồi tháng 5/2025, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đã “bắt tay” cùng Vingroup (mã: VIC) tham gia xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, kéo dài từ nút giao đường Nghi Tàm đến nút giao đường Trường Sa với giá trị gói thầu 10.790 tỷ đồng.
Về Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group), đây là doanh nghiệp được ông Nghiêm Giới Hoà thành lập năm 1995, tập trung cốt lõi vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng.
Hiện, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp và dự án đô thị trên khắp Trung Quốc. Tính đến năm 2023, Tập đoàn đạt doanh thu gần 80 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, Tập đoàn tích cực mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt tại các quốc gia thuộc ASEAN, Trung Á và Đông Âu, với các dự án lớn như tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc tại Ukraine, Iran và Malaysia.
Hiện Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương có hơn 500 công ty cổ phần và có hơn 100 công ty đầu tư đối ngoại trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, từ năm 2024 đến nay, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đang tích cực mở rộng hoạt động thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ, đề xuất và nghiên cứu đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trên khắp các tỉnh, thành phố.
Mới đây nhất, Tập đoàn này bày tỏ muốn tham gia làm hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục. Đây là hầm đường bộ xuyên biển lớn nhất Việt Nam. Hiện, Tập đoàn này đã nghiên cứu và đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án.