Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố bị can , thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với các ông Lê Quang Thung – cựu Tổng Giám đốc, nguyên quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Huỳnh Trung Trực – cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Phạm Văn Thành – nguyên Trưởng ban Kế hoạch đầu tư Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Bộ Công an, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các bị can có sai phạm trong dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (phường 12, quận 4, TPHCM).
Xin lập dự án rồi chuyển nhượng
Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có tổng diện tích 6.202 m2, nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý.
Năm 2009, Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín, trụ sở chính đặt tại 39-39B Bến Vân Đồn (Tổng công ty Cao su Đồng Nai góp 72% và Công ty Cao su Bà Rịa góp 28% vốn). Đến năm 2010, UBND TPHCM có quyết định số 1366 thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty Phú Việt Tín đầu tư xây dựng thương mại, văn phòng, officetel, căn hộ…
Đến năm 2014, toàn bộ cổ phần vốn góp của Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Công ty Phú Việt Tín đều bán cho một doanh nghiệp bất động sản .
Đến ngày 14/11/2014, doanh nghiệp bất động sản này lại tiếp tục chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty Phú Việt Tín và quyền khai thác dự án bất động sản cho 2 công ty khác.
Hiện tại, dự án đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành và bán hết cho người sử dụng. Tuy nhiên, dự án đang bị thanh tra, kiểm tra nên những hộ dân mua căn hộ tại dự án này vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Nhiều sai phạm
Ngày 13/5/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận Thanh tra số 757/KL-TTCP. Theo đó, về xử lý kinh tế, TTCP kiến nghị xử lý 2.054 tỷ đồng, hơn 6 triệu USD và 464.000m2 đất. Đồng thời, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại kết luận thanh tra số 757, TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm. Đối với khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, kết luận của TTCP khẳng định, Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, việc UBND TPHCM có quyết định số 1366 thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty TNHH Phú Việt Tín (pháp nhân mới) làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2003 và điểm 3,4, Mục I Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ Kế hoạch Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
TTCP đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, có biện pháp để xử lý. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ và tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản nhà nước.
Đáng chú ý, tại văn bản số 68/BC-STNMT-VP báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra của TTCP, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, nhà đất ở địa chỉ 39-39B Bến Vân Đồn tuy thuộc tài sản công nhưng bản chất của việc cho phép Công ty Phú Việt Tín được đầu tư dự án là nhà nước cho phép doanh nghiệp nhà nước được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt, không phải là giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, việc tham mưu giải quyết là đúng với quy định của pháp luật.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nguyên nhân dẫn tới nhận định về sự chưa phù hợp với Luật Đất đai của TTCP có những lý do khách quan, Sở này bỏ ngỏ quan điểm xử lý đối với khu đất nói trên.