Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Chỉnh trang đô thị thành phố cảng

-

Hải Phòng di dời 8 nhà máy sản xuất thép, kho tàng nằm ven Quốc lộ 5 để phục vụ chỉnh trang đô thị

UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản số 891 về việc di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) ra khỏi khu vực hiện tại, trong đó các nhà máy sản xuất thép chiếm phần lớn diện tích.

8 nhà máy thép trong khu vực dân cư đông đúc

Có 8 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thép thuộc diện di dời trong năm 2025, gồm các công ty: TNHH Ống thép Việt Nam, Sản xuất thép Úc SSE, Liên doanh Sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt Úc), Cổ phần Thép Việt Nhật, TNHH MTV Phôi thép Úc, Cổ phần Thép và Cơ khí vật liệu xây dựng Hải Phòng (VPS-POSCO), Cổ phần Thép Cửu Long Vinashin, Cổ phần Thép Trung Kiên.

Trong đó, có 6 DN trên địa bàn phường Quán Toan và 2 DN thuộc địa bàn xã An Hồng. Chỉ Công ty Cổ phần Thép Trung Kiên là DN kinh doanh thép, còn lại đều sản xuất thép. Các DN thép kể trên đang quản lý, sử dụng khoảng hơn 50 ha đất gồm diện tích nằm trên địa phận phường Quán Toan là hơn 36 ha và địa phận xã An Hồng hơn 14 ha.

Theo UBND quận Hồng Bàng, trong số các DN thuộc diện di dời nêu trên, chỉ còn 2 DN đang sản xuất ổn định là Công ty TNHH Ống thép Việt Nam sử dụng hơn 3,3 ha đất tại phường Quán Toan, thời hạn sử dụng đất đến hết năm 2033. DN còn lại là Công ty Liên doanh Sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt Úc) đang sử dụng hơn 5,57 ha đất, thời hạn sử dụng đất đến năm 2025.

Lãnh đạo UBND quận Hồng Bàng cho biết vấn đề di dời nhà máy thép tại khu vực phường Quán Toan và xã An Hồng được đặt ra từ nhiều năm qua bởi việc tồn tại cụm công nghiệp thép ở khu vực dân cư đông đúc không phù hợp.

Công ty CP Thép Cửu Long được giao hơn 19,4 ha đất nhưng đã chuyển nhượng phần lớn diện tích cho doanh nghiệp khác

Công ty CP Thép Cửu Long được giao hơn 19,4 ha đất nhưng đã chuyển nhượng phần lớn diện tích cho doanh nghiệp khác

Trước đó, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng từng bước di dời các nhà máy xí nghiệp, kho tàng khu vực nội đô tới các cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới.

Riêng khu đất ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng và các công trình khác.

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho hay đến nay, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 323 ngày 30-3-2023, tiếp tục định hướng di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô để chỉnh trang, tái thiết đô thị. Một trong những nội dung trước mắt là điều chỉnh địa giới một phần huyện An Dương, sáp nhập 3 xã thuộc huyện này là An Hồng, An Hưng và Đại Bản về quận Hồng Bàng trong giai đoạn 2024-2025.

Để các DN không bị động khi TP Hải Phòng thu hồi đất thực hiện quy hoạch này, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao UBND quận Hồng Bàng và UBND huyện An Dương thông báo, hướng dẫn 8 DN sản xuất, kinh doanh thép khẩn trương có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan và xã An Hồng vào các khu, cụm công nghiệp tập trung và hoàn thành việc di chuyển trong năm 2025.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường không thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất đối với các DN tại khu vực này khi hết thời hạn thuê đất, giao đất theo quy định.

Di dời là cần thiết

Qua tìm hiểu của Báo Người Lao Động, việc di dời 8 nhà máy thép được người dân địa phương ủng hộ. Ông Trần Văn An, phường Quán Toan, cho biết sắp tới, khu vực này còn phát triển, dân cư gia tăng, việc di dời là cần thiết. Tuy nhiên, việc bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan, nhất là sự ổn định phát triển của DN cần được tính đến. Bên cạnh nỗ lực của quận Hồng Bàng, ngành chức năng của TP Hải Phòng cần vào cuộc hỗ trợ, hướng dẫn để các địa phương tổ chức thực hiện việc di dời hiệu quả.

Theo đại diện lãnh đạo Liên doanh Sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt Úc), tại cơ sở sản xuất ở phường Quán Toan, DN đang vận hành dây chuyền sản xuất với hơn 300 lao động. Đơn vị ủng hộ chủ trương di dời nhưng đề nghị TP Hải Phòng, quận Hồng Bàng, cơ quan chức năng khi tổ chức thực hiện hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đối với DN.

Hiện, một số DN còn thời hạn sử dụng đất như Công ty TNHH Ống thép Việt Nam thời hạn sử dụng đất đến ngày 16-4-2033, VPS-POSCO, Cửu Long Vinashin có thời hạn sử dụng đất đến ngày 19-3-2043. Công ty Sản xuất Thép Úc SSE, Cổ phần Thép Việt Nhật, TNHH MTV Phôi thép Úc thời hạn sử dụng đất năm 2027. Do đó, việc tính toán bố trí sắp xếp các DN cần được cân nhắc cụ thể.

Ghi nhận những đóng góp của DN trên địa bàn quận, trong đó, DN sản xuất thép là nhân tố chính đóng góp trong giá trị sản xuất ngành công nghiệp và đóng góp tỉ trọng cao trong cơ cấu ngành kinh tế, song theo ông Phạm Văn Đoan, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, việc di dời các DN này tạo điều kiện để quận tập trung triển khai các nhiệm vụ chỉnh trang, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.

Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết quận rất mong muốn TP Hải Phòng chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện về mặt thủ tục để các đơn vị sớm di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Theo đề xuất của quận, các DN liên hệ Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng để có hướng dẫn cụ thể trong bố trí, sắp xếp mặt bằng sau di dời. 

Tầm nhìn đến năm 2045-2050, TP Hải Phòng xây dựng và phát triển thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao tỉ lệ đô thị hóa Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á, giúp liên kết hệ thống các đô thị trong khu vực thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu… Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories