Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Chờ đợi các luật về nhà đất gỡ khó trước mắt
Trao đổi tại buổi giám sát, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, mục tiêu của giám sát là một nghị quyết để giải quyết các bất cập trước mắt, trong khi chờ giải pháp dài hạn để xử lý dứt điểm các khó khăn qua việc hoàn thiện thể chế . “Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng vào những giải pháp trước mắt, trong đó cần tập trung vào những dự án đang gặp những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý”, ông Hiếu góp ý.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận, sự mâu thuẫn, không phù hợp giữa các quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu…) là vấn đề rất lớn, do vậy cần giải quyết hài hòa giữa các quy hoạch trong thời gian trước mắt gắn với những kiến nghị thật cụ thể. Còn về dài hạn, ông Hiếu gợi ý TPHCM cần suy nghĩ xem có quy hoạch nào có thể bỏ trong số các quy hoạch … nhằm giảm bớt “tầng tầng lớp lớp” các quy hoạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, giai đoạn 2022 – 2023, thành phố tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản và đã đạt được những kết quả nhất định. Ông nhìn nhận, thị trường này hiện chuyển qua giai đoạn phát triển bền vững hơn, đặc biệt là khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới.
Trao đổi thêm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, khi các luật này có hiệu lực, Chính phủ ban hành các nghị định liên quan sẽ giúp tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn trong phát triển nhà ở, NOXH. Đồng thời, Chính phủ cũng đang nghiên cứu chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư theo hướng tăng thêm, mở rộng ưu đãi để việc triển khai khả thi hơn.
Bảo đảm an sinh xã hội, NOXH cho người thu nhập thấp
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua buổi giám sát, đoàn nhận diện rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NOXH, cùng một số bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật và những bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NOXH.
Ông Hải nhận xét, ngoài việc nỗ lực để đạt các chỉ tiêu về NOXH, TPHCM đã quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng NOXH, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, quyết tâm xóa đi tư tưởng xem loại hình nhà ở này là nhà ở giá rẻ, có chất lượng thấp.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận thị trường bất động sản của TPHCM cũng như nhiều địa phương trong cả nước còn nhiều bất cập. Trong đó, với giai đoạn 2015 – 2023, TPHCM chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư được 44 dự án mới, không quá 7 dự án mỗi năm. Ngoài ra, tỷ trọng hoạt động kinh doanh bất động sản trong GRDP của thành phố ngày càng giảm; trong khi giá bất động sản tăng, chênh lệch đáng kể giữa các khu vực; trình tự, thủ tục đầu tư các dự án bất động sản kéo dài, nhiều dự án gặp khó khăn do vướng mắc về pháp lý.
Nhắc đến các luật vừa được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay cho thị trường bất động sản và phát triển NOXH, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị TPHCM khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các luật. Đồng thời tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển NOXH hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này. Đây là hai lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, NOXH cho người có thu nhập thấp.
“TPHCM cũng phải đánh giá rõ, cụ thể hơn về vướng mắc do chính sách, pháp luật; bất cập, yếu kém trong tổ chức thực hiện và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến các bất cập, hạn chế, yếu kém đó”, ông Hải đề nghị.
Nguồn cung nhà ở khan hiếm
Theo Sở Xây dựng, hiện nay, TPHCM có 7 dự án NOXH và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258 m2.
Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nhìn nhận, nguồn cung nhà ở tại TPHCM sẽ ngày càng khan hiếm, lượng nhà ở xây dựng thời gian qua không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Khiết cho biết, hiện nhu cầu nhà ở của người dân thành phố rất lớn và không ngừng tăng với quy mô mỗi năm thêm khoảng 200.000 người. Trong khi đó, giá nhà rất cao và liên tục tăng, tập trung ở phân khúc trung, cao cấp nên người thu nhập thấp, công nhân, lao động nhập cư rất khó tiếp cận. Mặt khác, nguồn cung NOXH lại thiếu hụt trầm trọng. Tính đến năm 2023, tổng diện tích sàn xây dựng NOXH chỉ đạt 19,74 triệu m2, hoàn thành 39,5% chỉ tiêu đề ra.