Chiêu trò đẩy giá mới
Khoảng 1 tháng nay, chị Vân (45 tuổi, Hà Nội) liên tục nghe ngóng và tìm kiếm một căn chung cư có 3 phòng ngủ. Sau 2 tuần nhờ môi giới tìm dự án phù hợp với nhu cầu, chị Vân tá hỏa phát hiện, cùng một số căn hộ có diện tích, vị trí tương đương ở cùng dự án nhưng các môi giới mà chị liên hệ lại báo những giá chênh lệch nhau rất nhiều.
Ví dụ, tại một dự án chung cư ở Cầu Giấy, Hà Nội, cùng một căn nhưng chỉ sau 3 ngày, giá rao bán đã chênh đến cả tỷ đồng. Được biết, đây là căn hộ tái định cư đã sử dụng 14 – 15 năm nay, hầm để xe không có, ô tô còn phải để ngoài trời, hành lang tối om, nhưng vẫn được người bán rao với giá lên đến 60 triệu đồng/m2.
Hay theo một ghi nhận khác, trong hội nhóm cư dân của một toà chung cư tại Hà Nội, một số chủ nhà “kháo nhau” đồng loạt rao bán căn hộ chung cư đang ở với một mức giá cao hơn so với mặt bằng hiện tại. Họ tin rằng, chỉ cần một giao dịch thành công thì căn chung cư họ đang ở sẽ được thiết lập một mốc giá mới, và tâm lý người mua sẽ lựa chọn tìm mua căn có giá thấp nhất.
Tuy nhiên, theo khảo sát, không chỉ dự án chung cư này mà nhiều dự án nhà ở và đất nền trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều gặp phải tình trạng bị “thổi giá” quá cao so với mặt bằng giá thực tế, khiến người mua thực khó tiếp cận với đúng giá sản phẩm.
Chung cư tăng giá với tốc độ “đáng sợ”
Theo số liệu của Savills, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Tính đến quý 1/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21% so với quý 4/2023.
Còn CBRE cho biết giá trung bình các dự án tại Hà Nội ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm nay. Giá bán căn hộ mới tại Hà Nội tăng 19%, đạt trung bình 56 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì). Giá nhiều tòa chung cư cũ cũng nâng giá, tăng 17% – mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này khiến giá chung cư Hà Nội đang dần tiệm cận mức giá tại TP.HCM.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như thất bại, trong khi đó phân khúc chung cư thương mại “một mình một ngựa” cứ thế tiến lên với tốc độ tăng giá đáng sợ. Ông đánh giá thực trạng này là “một bước lùi về chiến lược xử lý thị trường bất động sản, về nhà ở hiện nay.
Ông Nghĩa dẫn chứng thêm, nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, thậm chí có dự án tăng hơn 30%. Như chung cư tại Khu đô thị Ciputra (quận Hồ Tây) hiện hơn 100 triệu đồng/m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) giá cũng trên 60 triệu đồng/m2, có khi hơn 80 triệu đồng/m2.
“Chúng ta cứ hình dung nhà chung cư ở Hà Nội bây giờ loại trung bình cũng khoảng 70 triệu đồng/m2, còn loại cao cấp hơn khoảng 130 triệu đồng/m2. Mức giá này cho thuê cũng không nhiều người chi trả được, chứ đừng nói là mua”, ông Nghĩa nói.
Trong bối cảnh giá nhà bất thường như hiện nay, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra lời khuyên rằng, người có nhu cầu mua nhà ở thực cần phải bình tĩnh, nhìn nhận thị trường để có đánh giá phù hợp nhất với bản thân mình. Ngoài cân đối nguồn tiền thì vẫn cần phải xem xét kỹ tính pháp lý của dự án, năng lực chủ đầu tư. Nếu như khách hàng không am hiểu thì nên tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, uy tín để người ta phân tích, đánh giá để khách hàng có thể đưa ra những quyết định phù hợp. Tránh trường hợp vội vàng rồi đưa ra những quyết định sai lầm.
Còn đối với các nhà đầu tư, ông Đính cho rằng bài học thời điểm năm 2022 – 2023 đến giờ vẫn rất giá trị và là bài học đắt giá cho việc đầu tư, mua bán thiếu tính thị trường, trục lợi, đẩy giá, thổi giá. Nhiều người vay mượn, cầm cố để lướt sóng, đẩy giá kiếm lời đến nay vẫn đang phải chịu những thiệt hại, áp lực lớn. Đấy còn là bài học để thấy rằng, khi thị trường bất ổn như hiện nay thì càng không nên tham gia.