Vừa qua, Sở Xây dựng thành phố Huế đã công bố thông tin quý II/2025 về nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo đánh giá của cơ quan này, nhìn chung thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt, lượng giao dịch trong khu dân cư hiện hữu và trong các dự án không tăng so với quý trước đó.

Lượng giao dịch quý II/2025 tại TP Huế.
Về tình hình giao dịch, địa phương có 19 giao dịch nhà ở riêng lẻ trong quý II, trong đó có 17 căn tại dự án của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Cotana Capital (giá bán dao động 3,7 – 6,9 tỷ đồng/căn) và 2 căn tại dự án của CTCP Đầu tư IMG Huế (9,6 tỷ đồng/căn).
Bên cạnh đó, còn có 29 căn chung cư được mua bán tại dự án của Cotana Capital. Tổng giá trị toàn bộ các giao dịch đạt gần 143,7 tỷ đồng.
Về tình hình phát triển nhà ở thương mại, địa phương có 4 dự án đang triển khai trong quý II: CTCP An Invest (quy mô 497 căn chung cư); CTCP Ariyana Vĩ Dạ (46 căn nhà riêng lẻ); CTCP Đầu tư IMG Huế (168 căn nhà riêng lẻ); CTCP Phát triển và Đầu tư Đống Đa (669 căn chung cư).
Có 6 dự án hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán trong quý với tổng số 1.889 căn nhà riêng lẻ. Gồm dự án của An Invest (106 căn); CTCP Apecland Huế (226 căn); CTCP Ariyana Vĩ Dạ (46 căn); Cotana Capital (663 căn); CTCP Đầu tư IMG Huế (658 căn); CTCP Tập đoàn IUC – CTCP Tập đoàn BGI (190 căn).
Về tình hình phát triển nhà ở xã hội – trong quý II, thành phố có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư có tổng vốn đầu tư 578 tỷ đồng (quy mô gần 900 căn); 1 dự án được cấp giấy phép xây dựng (720 căn); 2 dự án đang triển khai xây dựng (1.805 căn) và 1 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (210 căn).
Tồn kho bất động sản tại TP Huế trong quý II là 1.132 căn.

Sở Xây dựng TP Huế thông tin – thời gian qua, dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng loạt dự án, cùng với đó là Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay… tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa thực sự thẩm thấu vào thị trường.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý II/2025 vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên so với quý I/2025. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi.
Hiện một số dự án bất động sản vẫn đang tồn tại khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, một số dự án cũng gặp vướng mắc về pháp lý bao gồm: Xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn (vốn tín dụng ngân hàng, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và huy động từ khách hàng).
Về nhà ở xã hội, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian, công tác chuẩn bị còn chậm và kéo dài. Một số dự án gặp vướng mắc trong đề xuất lựa chọn chính sách ưu đãi chủ đầu tư theo quy định cũ tại Luật Nhà ở 2013 và quy định mới tại Luật Nhà ở 2023.
