Cũng theo nhận định của vị chuyên gia này, có 3 yếu tố chính tác động lớn đến thị trường đất nền, gồm kinh tế của khu vực (thậm chí vĩ mô hơn là kinh tế đất nước), quy hoạch hạ tầng và dân số cùng sự kết nối với các địa phương khác.
Sau giai đoạn thị trường khó khăn, tâm lý chung của người mua và nhà đầu tư bất động sản sẽ thận trọng hơn so với thời điểm trước đó. Do đó, ông Quốc Anh khuyến nghị nhà đầu tư nên nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và tìm hiểu biến động giá trước khi quyết định xuống tiền với bất cứ sản phẩm nào.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung – Tổng Giám đốc SGO Homes cũng cho rằng vùng ven Hà Nội đang có dấu hiệu “sốt” cục bộ, giá tăng từ 10-20% so với đầu năm. Đất đấu giá tại một số địa phương có mức giá khởi điểm thấp ghi nhận số lượng hồ sơ tăng vọt, mức đấu giá thành công cao hơn từ 20% tới 10 lần so với giá khởi điểm (số liệu từ báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm 2024 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam).
Song, ông Chung đánh giá, đất nền vùng ven giao dịch có tăng nhiệt nhưng không sôi động. Lượng nhu cầu được chuyển hóa thành cầu tăng trưởng, xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi “săn” đất. Nhà đầu tư đã chủ động xây nhà tại các mảnh đất đầu tư. Một số khu vực có hiện tượng giao dịch tăng trưởng “cục bộ” rồi lại đi ngang.
Quan sát thực tế, các diễn biến lạc quan về thị trường đất nền từ đầu năm đến nay cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về phân khúc này đang quay trở lại, tuy nhiên chỉ mang tính “cục bộ” và rõ rệt tại một số khu vực, nhất là các tỉnh phía Bắc.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đất nền trong nửa đầu năm 2024 đang trên đà phục hồi, sau khoảng thời gian chạm đáy vào năm 2023. Trong đó, Đông Anh là khu vực có mức độ quan tâm tăng mạnh nhất với 104%, tiếp đến là Quốc Oai với 101%, Gia Lâm là 95%, Hoài Đức ở mức 79%, Thạch Thất là 48%…
Đáng chú ý, tại huyện Đông Anh, giá đất ở một số khu vực vừa rồi được rao vượt mức 200 triệu đồng/m2. Lý giải về diễn biến tăng giá “đột biến” này được cho là theo kế hoạch, TP. Hà Nội sẽ phấn đấu đưa Đông Anh trở thành quận vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản liên tục kéo về địa bàn Đông Anh để đầu tư các dự án lớn.
Hay một cơn “sốt giá” cũng vừa diễn ra mới gần đây là phiên đấu giá 68 thửa đất tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), có giá trúng lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Các lô khác cũng có giá trúng từ 63-80 triệu đồng/m2, cũng cao gấp 5 – 6,4 lần so với giá khởi điểm. Trong khi đó, giá rao bán đất trung bình trong quý 2/2024 tại địa phương này chỉ khoảng 27 triệu đồng/m2.
Không chỉ tại Thanh Oai, ghi nhận từ đầu năm đến nay, liên tục diễn ra các buổi đấu giá thành công, mang về nguồn thu ngân sách lớn, thậm chí đã có những lô đất được trúng giá với giá trị cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Đây đều là những lô đất, thửa đất ven Hà Nội hoặc gần trung tâm các thành phố, đô thị phát triển.
Nhìn chung, nửa đầu năm 2024, bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản Việt Nam đã có thêm nhiều hơn gam màu sáng với kết quả phục hồi rõ nét ở một số phân khúc, địa phương. Mặc dù các “điểm trội” chưa đủ lực giúp thị trường “bùng nổ” nhưng chắc chắn sẽ là tiền đề cho các kết quả ấn tượng hơn vào nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, việc nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan ban ngành đưa 3 luật quan trọng liên quan đến đất đai đi vào cuộc sống sớm trước 5 tháng so với kế hoạch ban đầu được xem là bước chạy đà tích cực để các chính sách sớm thẩm thấu vào thị trường, thúc đẩy thị trường phục hồi rõ nét và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới.