Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

"Cởi trói" giúp hơn 120 hộ dân ở Quảng Ngãi ra khỏi quy hoạch treo

-

Nhiều năm bị vướng “quy hoạch treo” của Dự án Khu công nghiệp VISIP Quảng Ngãi khiến 124 hộ dân ở xóm 5, thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi khổ sở. Nhà cửa hỏng nát không được xây, con cái trưởng thành không được tách thửa, mua bán nhà cũng không được… Sau gần 8 năm, giờ đây, 124 hộ dân vui mừng vì được “cởi trói” khỏi khu vực quy hoạch treo này.

Những ngày này, người dân ở xóm 5, thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh ai cũng mừng vui vì đã thoát cảnh “quy hoạch treo”. Bà con khẩn trương xây dựng, sửa chữa lại nhà ở cho khang trang. Anh Nguyễn Đắc Dũng đang tiến hành xây nhà mới cho biết, xóm 5 gần bên cạnh Khu Công nghiệp VISIP Quảng Ngãi. Nhiều diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch nên gần 8 năm qua, gia đình anh không được phép làm nhà. Giờ đây, quy hoạch treo đã được “tháo”, anh Dũng lập tức xây nhà và xây luôn khu nhà trọ để cho thuê:

“Trước đây chưa dỡ quy hoạch thì không làm gì được. Không riêng gì tôi mà bà con ở đây rất mừng. Tháo quy hoạch là bà con ở đây yên tâm, có thể làm sổ, xây được nhà hay làm nhà trọ, chứ trước đây không được làm bất cứ thứ gì, vất vả cho bà con”

"Cởi trói" giúp hơn 120 hộ dân ở Quảng Ngãi ra khỏi quy hoạch treo- Ảnh 1.

Đường trong thôn, đất, đá lởm chởm và không có hệ thống kênh mương nội đồng

Năm 2017, toàn bộ diện tích đất sản xuất, đất ở tại xóm 5, thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào quy hoạch thực hiện dự án Khu công nghiệp VISIP Quảng Ngãi. Phần lớn diện tích đất trồng lúa 68 ha của xóm 5 đã bàn giao cho chính quyền địa phương, nhà đầu tư thực hiện dự án. 76 ha đất còn lại nằm trong vùng quy hoạch (bao gồm cả đất ở, nhà ở của người dân) lại không được thu hồi, tái định cư theo quyết định thu hồi đất. Theo đại diện VISIP Quảng Ngãi, trong 76 ha đất ở xóm 5 có 22 ha đất ở của 124 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch Khu công nghiệp VISIP Quảng Ngãi. Qua lấy ý kiến của nhân dân có 82/124 hộ không đồng ý di dời tái định cư.

"Cởi trói" giúp hơn 120 hộ dân ở Quảng Ngãi ra khỏi quy hoạch treo- Ảnh 2.

Người dân xây nhà sau khi được tháo quy hoạch

Ngày 21/12/2020, Khu Công nghiệp VISIP Quảng Ngãi đã có công văn đề xuất chính thức loại bỏ khu dân cư xóm 5 khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch, hủy thông báo thu hồi đất, xóa quy hoạch treo cho người dân không thực hiện được do phải chờ Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất. Và đến tận bây giờ, người dân mới được đưa ra khỏi quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Anh nhà ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh kiến nghị: “Bây giờ nhà nước tháo quy hoạch chúng tôi rất mừng, phấn khởi, nhưng phải làm lại cho tuyến đường cho tốt để nhân dân chúng tôi ở cho đỡ ngập. Đường với mương máng thoát nước vì đây là vùng úng, mưa là ngập. Nước sạch thì ở đây cũng chưa có chúng tôi đóng giếng”.

"Cởi trói" giúp hơn 120 hộ dân ở Quảng Ngãi ra khỏi quy hoạch treo- Ảnh 3.

Nhà Văn hóa xuống cấp không được đầu tư

Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 76 ha đất của xóm 5, thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ đã được loại bỏ ra khỏi ranh giới quy hoạch Khu Công nghiệp VISIP Quảng Ngãi và đã được cập nhật vào Đồ án Quy hoạch chung Khu Kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2023. Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tịnh đã tiến hành các thủ tục cần thiết và ra thông báo hủy Thông báo số 2892/TB ngày 19/9/2017 của huyện Sơn Tịnh về việc thu hồi đất thực hiện dự án Khu công nghiệp VISIP giai đoạn 1B.

Ông Vinh cho biết thêm, xóm 5, thôn Thọ Trung bị ảnh hưởng bởi dự án VISIP nên dòng chảy và điều kiện sinh hoạt của người dân cũng bị tác động, thay đổi nhiều. Hạ tầng khu dân cư thấp hơn so với nền Khu Công nghiệp VISIP, thường xuyên bị ngập úng. Trong hai năm 2023-2024, huyện Sơn Tịnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng, đảm bảo sinh hoạt, đời sống cho nhân dân.

Theo ông Phạm Xuân Vinh, trong 2 năm qua, tỉnh và huyện đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo đời sống của bà con:“Năm 2023, 2024, huyện, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cơ sở hạ tầng cho bà con để đảm bảo yêu cầu về sinh hoạt, đời sống cũng như trong sản xuất của nhân dân. Và phải tiếp tục đầu tư trong những năm tiếp theo để tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân trong sản xuất, sinh hoạt, đời sống, đảm bảo người dân hưởng lợi từ chính sách của nhà nước. Thời gian đến sẽ có sự đầu tư thích đáng hơn, phù hợp hơn nữa”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories