Theo thông tin từ Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, ngày 22/7 tới đây, cơ quan này sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan.
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào ngày 29/3/2022, hàng loạt dự án của Tập đoàn FLC bị dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát, chấm dứt hoạt động tại nhiều địa phương.
Tuy nhiên, một trong số các dự án đã từng tạm dừng triển khai trước đó là FLC Quảng Bình bất ngờ khởi công vào tháng 4 vừa qua, khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Đáng chú ý, theo chia sẻ từ chị Huế – Khách hàng mua căn hộ FLC Quảng Bình cho biết, hiện nay nhiều khách hàng mua dự án FLC Quảng Bình đã thành lập nhóm, tự đóng tiền xây dựng tiếp để có thể hoàn thiện các căn biệt thự ở khu Lux 1 và Lux 2 đang được xây dang dở.
Khởi công năm 2016, dự án FLC Quảng Bình có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu lên tới 20.000 tỷ đồng. Đến nay, sau gần 8 năm triển khai, dự án này mới chỉ đưa vào vận hành 2 sân golf liên hoàn 36 lỗ và hoàn thiện một số khu biệt thự mẫu ven biển. Số còn lại là cảnh hoang tàn, đổ nát của nhiều hạng mục công trình xây dựng dang dở, cùng với đó là khoảng trống đất mênh mông.
Cũng trong tháng 4, trái với diễn biến khởi sắc của FLC Quảng Bình, dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn (tại Phân khu số 6, Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu kinh tế Nhơn Hội) bỗng có thông báo tạm dừng kinh doanh khiến không ít người lo lắng. Dự án có tổng diện tích hơn 32ha với tổng vốn đầu tư khoảng 602 tỷ đồng. Đây là tổ hợp đô thị bao gồm hơn 1.000 căn shophouse, liền kề, biệt thự, cùng hơn 80 tiện ích.
Theo đó, ngày 18/4, lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định có văn bản gửi CTCP đầu tư phát triển Bình Định (là chủ đầu tư dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn) thông báo hủy bỏ 2 văn bản của ban về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh tại dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn.
Trước đó, năm 2018, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định cũng đã ban hành 2 văn bản nói trên. Qua rà soát tiến độ dự án, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định nhận thấy dự án chậm tiến độ, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch và đã có dấu hiệu xuống cấp, dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).
Tiếp đến ngày 19/4, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết, đã thu hồi 474 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác tại dự án Tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, để điều chỉnh lại, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Dự án có diện tích 179.677,8m2 tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng từng chỉ ra nhiều sai phạm của sở ngành tỉnh Kon Tum trong việc giao hàng nghìn m2 đất cho Tập đoàn FLC. Vì việc UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai (phải giao Sở Tài chính), vi phạm Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.
Hay mới đây, thông tin về những nhà đầu tư từng rót tiền vào dự án FLC Grand Hotel Hạ Long treo băng rôn, đi đòi quyền lợi cũng khiến xôn xao dư luận. Hàng trăm chủ sở hữu condotel FLC Grand Hotel Hạ Long đang rơi vào tình trạng qua 3 đến 4 kỳ cam kết về lợi nhuận nhưng chưa được Công ty FLC Hạ Long chi trả. Những khách hàng này đã cùng ký đơn khởi kiện Công ty FLC Hạ Long ra Tòa án Nhân dân TP Hạ Long để tiếp tục đòi lại quyền lợi.
Cũng không mấy tích cực khi tại Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, xảy ra tình trạng rất đông khách hàng tập trung ngay tại khu vực cổng chính của khu nghỉ dưỡng này, nhằm phản đối việc Tập đoàn FLC cho nhân viên bảo vệ cấm xe khách cỡ lớn đi vào các khu căn hộ villa, hạn chế số lượng người vào nghỉ tại các villa và một vài lý do khác…
Ngoài ra, hàng loạt dự án của FLC bị “khai tử” trong năm 2022. Đó là: Dự án khu đô thị mới, kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Cam (Bình Phước); Dự án Nông nghiệp Công nghệ cao FAM – Kon Tum và dự án Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Măng Đen; Dự án khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió (Bình Định); Tháp, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku; Khu đất 5ha và 3ha đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku; Khu du lịch văn hóa Cao Nguyên đồi thông thuộc TP Pleiku; Khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya tại TP. Pleiku và huyện Chư Păh; Dự án khu đô thị mới Hồ Nước ngọt (Sóc Trăng); Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy (Hòa Bình).
Cũng trong năm 2022, Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi 5 dự án của FLC, trong đó 2 dự án thu hồi theo diện nhà đầu tư trả lại (Khu đô thị Vạn Tường 7 và 8).
Đến năm 2023, Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thu hồi 4 dự án còn lại của FLC và đối tác làm chủ đầu tư ở Khu Kinh tế Dung Quất. Đó là dự án Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 9, 10, 11 và 12, có tổng diện tích khoảng 81ha, vốn đăng ký gần 9.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, FLC cũng có thêm 3 dự án bị thu hồi vào năm ngoái là: Dự án đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM – Phú Yên, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long tại Thanh Hóa và dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình.