Chủ Nhật, Tháng 4 6, 2025

Đất nền phía Nam tăng giá trở lại

-

Hiệu ứng từ làn sóng săn đất ăn theo thông tin hạ tầng, sáp nhập tỉnh khiến giá sơ cấp và thứ cấp của đất nền các tỉnh phía Nam tăng trở lại, theo DKRA.

Báo cáo thị trường bất động sản TP HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh) của DKRA Group công bố mới đây cho thấy 3 tháng đầu năm, giá sơ cấp (chủ đầu tư bán) và thứ cấp (nhà đầu tư mua đi, bán lại) đất nền các tỉnh phía Nam ghi nhận đà tăng trở lại sau nhiều quý giảm và đi ngang.

Cụ thể, mức tăng trung bình trên thị trường sơ cấp là 2-6% và thị trường thứ cấp là 20-30% .

Xét theo khu vực, Bình Dương và TP HCM là hai thị trường có giá sơ cấp đất nền tăng mạnh nhất 3 tháng qua. Cụ thể, giá đất nền Bình Dương thấp nhất là 12 triệu đồng mỗi m2, cao nhất gần 90 triệu đồng, tăng trung bình từ 33% so với mức giá thấp nhất ghi nhận trong quý IV/2024.

Tương tự, đất nền tại TP HCM cũng có giá thấp nhất ghi nhận trong quý vừa qua là 15,3 triệu đồng và cao nhất 140 triệu đồng mỗi m2, tăng trung bình 9,2% so với quý trước. Với các thị trường còn lại, Long An ghi nhận mức giá tăng nhẹ khoảng 2-5%, còn Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh vẫn giữ nguyên.

Với thị trường thứ cấp, làn sóng tăng giá lan rộng hầu hết địa phương. Theo DKRA Group, giá thứ cấp đất nền Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu trung bình tăng 20-30%. Tại Đồng Nai, đất nền khu vực huyện Nhơn Trạch, Long Thành có giá sang tay tăng từ 25-40%, thậm chí hơn 50% và có hiện tượng sốt ảo. Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đất nền tại huyện Phú Mỹ, Hắc Dịch, Châu Đức tăng trung bình 15-25% so với cuối năm 2024. Các thị trường Bình Dương và Long An không xuất hiện tình trạng nóng sốt nhưng cũng tăng từ 10-12%.

  • Bất động sản khu đông TP HCM với các dự án đất nền tháng 2/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Diễn biến tương tự về giá cũng được ghi nhận bởi chuyên trang Batdongsan. Theo số liệu từ đơn vị này, trong tháng 3, trung bình giá đất Đồng Nai đã tăng 18-48% so với cùng kỳ, lượt tìm mua tăng 25-40% so với đầu năm. Còn tại TP HCM, đất nền huyện Cần Giờ tăng 107%, Củ Chi tăng 32%, Hóc Môn tăng 7%, Nhà Bè tăng 10%…. Nhu cầu mua đất cũng tăng 45-50%.

Các tỉnh còn lại như Bà Rịa – Vũng Tàu, giá đất nền thứ cấp tăng 20-45%, nhu cầu mua tăng trung bình 20-30%. TP Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hiện giá nhà đất tăng 6-14%, nhu cầu mua tăng 23-26%.

Không chỉ giá tăng, cả nguồn cung và lực cầu đất nền cũng có cải thiện trong các tháng đầu năm. Theo DKRA, trong quý I, TP HCM và các tỉnh phía Nam có 102 dự án, với hơn 6.530 sản phẩm đất nền chào bán sơ cấp, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Nguồn cung mới phân bố chủ yếu tại Long An (2.000 nền), Bình Dương (1.800 nền) và Đồng Nai (1.450 nền), TP HCM (300 nền)…

Thanh khoản tại các tỉnh này cũng có sự cải thiện với 430 nền đất được giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ đạt 6,6%. Dù còn khiêm tốn, so với mức tiêu thụ năm ngoái (74 nền), con số này đã tăng gấp 6 lần.

Lý giải đà tăng giá đất nền thời gian qua, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, cho biết làn sóng săn đất ăn theo thông tin hạ tầng và sáp nhập tỉnh đang khiến giá leo thang ở cả sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt các khu vực sáp nhập với đô thị lớn là TP HCM.

Bên cạnh đó, đầu năm, một số tỉnh thành đẩy mạnh tiến độ phát triển hạ tầng giao thông cùng hàng loạt dự án đô thị, khu công nghiệp của các tập đoàn lớn triển khai xây dựng, phần nào kích thích tâm lý đầu tư trở lại thị trường. Các chủ đầu tư mạnh dạn triển khai giai đoạn mới với giá bán tăng cao hơn, nhà đầu tư thứ cấp cũng tranh thủ thoát hàng với mức giá kỳ vọng tăng so với năm trước đó.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam – cho hay đà tăng giá chóng mặt của đất nền một số tỉnh thành thời gian gần đây có nhiều nơi là “tăng ảo”. Các đối tượng cơ hội lợi dụng thông tin sáp nhập tỉnh, thành để thổi phồng tiềm năng, nắm bắt tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) để kích thích nhu cầu mua bất động sản, tạo sóng tăng giá ảo.

Ông Đính cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng trước các “cơn sốt ảo” đất nền. Các thông tin mang tính đầu cơ, tạo nên cơn sốt ảo” như hiện nay có thể để lại nhiều hệ lụy, thua lỗ, chôn vốn cho những người mua cuối cùng – bao gồm nhà đầu tư “đu đỉnh” và người dân địa phương, hai nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Người mua cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro”, ông khuyến nghị.

Phương Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories