Theo Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh doanh thu các dịch vụ khác trên địa bàn thành phố ước đạt 465.224 tỷ đồng trong cả năm 2024, chiếm 38,6% trong tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng 8,3% so với năm 2023). Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 282.134 tỷ đồng, chiếm 60,6% trong doanh thu dịch vụ khác và tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Cục Thống kê cũng nhận định thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh giảm, tạo điều kiện người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Tuy vậy, ngành bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tác động đủ lực cho hoạt động xây dựng, khi tăng 2,6%, chiếm 3,2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhưng chỉ đóng góp 1,1% vào mức tăng GRDP của thành phố.
Nói về khó khăn của ngành kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết giá nhà tại thành phố tiếp tục ghi nhận mức tăng mạnh trong năm 2024. Đơn cử đối với giá nhà sơ cấp tại 4 dự án cao cấp trên địa bàn đã đạt mức bình quân 9,39 tỷ đồng/căn. Đây mới chỉ là giá được chủ đầu tư đăng ký với Sở Xây dựng khi lập dự án còn giá bán thực tế còn cao hơn nhiều. Xu hướng tăng giá này không chỉ xuất hiện trong năm nay mà đã kéo dài từ những năm trước đó. Lãnh đạo HoREA cho rằng giá nhà tăng liên tục là do nguồn cung dự án nhà ở thương mại ít dẫn đến sản phẩm nhà ở thương mại tiếp tục khan hiếm. Mức tăng giá căn hộ chung cư vào khoảng 15 – 20% trong giai đoạn 2015-2023 và có thể tiếp tục giữ đà này trong năm 2025.
Nhận định về tình hình kinh doanh bất động sản, các chuyên gia cũng cho biết, trong năm 2025, nguồn cung bất động sản sẽ có dấu hiệu cải thiện dần. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn cung bất động sản vẫn chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp trong khi nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền vẫn tiếp tục khan hiếm. Vì vậy, các khu vực vệ tinh xung quanh TP. Hồ Chí Minh, với vị trí thuận lợi và kết nối giao thông tốt, sẽ trở thành những thị trường tiềm năng đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Đề ra giải pháp cho thị trường bất động sản năm 2025, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục Trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần tập trung tích cực gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản, kéo giảm giá nhà ở, đất ở. Điều này nhằm góp phần hạn chế sự lãng phí tài nguyên xã hội góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Với tính lan tỏa và ảnh hưởng đến ngành kinh tế khác nên xác định hoạt động bất động sản như là một động lực tăng của của kinh tế thành phố.
Khẳng định tình hình kinh doanh của bất động sản thành phố được khơi thông, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí MInh, ông Trần Hoàng Quân, cho biết trong năm 2024, thành phố đã có một số dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và một số dự án cũ được tái khởi động nhờ được tháo gỡ khó khăn. Dự báo những tháng đầu năm 2025, thị trường bất động sản thành phố sẽ tiếp tục đà phục hồi tuy nhiên diễn biến sẽ chậm, chưa có đột phá. Giá cả có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do có sự điều tiết của giá đất thành phố khi được ban hành, nhưng sẽ không có biến động mạnh.
Theo ông Quân, nguồn cung bất động sản mới trong thời gian tới sẽ dần được bổ sung góp phần tăng lượng giao dịch trên thị trường. Phân khúc căn hộ chung cư vẫn được đánh giá là tiểm năng nhất do nguồn cung tăng chậm và nhu cầu cao. Các chính sách mới về đất đai, nhà ở, kinh đoanh bất động sản, tín dụng có hiệu lực cũng sẽ tác động tích cục đến thị trường trong thời gian tới.
“Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục rà soát, điều chinh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội thực tế; cải tiến, rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư xây dưng dự án bất động sản… Thành phố cũng sẽ nghiên cứu một số giải pháp về thuế nhằm đàm bảo sự công băng trong tiếp cận nhà ở của người dân, như áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản thứ hai trở lên và các giao dịch bất động sản diễn ra trong thời gian ngắn sau khi mua”, ông Quân cho biết.