Chậm tiến độ, đội vốn nhưng tiền đội vốn chi phí cho việc gì?
Tiếp tục thông tin liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 66 Thanh Am (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) chậm tiến độ, đội vốn và xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài thời gian qua, sau khi Báo Điện tử VOV phản ánh nội dung làm việc giữa phóng viên và ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên (Hà Nội), người dân thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện dự án tiếp tục bức xúc đặt câu hỏi tại sao họ không được hưởng mức đền bù theo quyết định điều chỉnh của UBND thành phố Hà Nội mà vẫn phải chịu mức đền bù cũ là 16,6 triệu đồng/m2 và 26,5 triệu đồng/m2 (theo quyết định từ năm 2020) được cho là thấp một cách vô lý?
Dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 66 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư theo quyết định 1732/QĐ-UBND ngày 9/4/2019, cho đến nay, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã đội vốn từ mức gần 23 tỷ đồng lên gần 38,5 tỷ đồng.
Điều đáng nói và cũng là trở ngại lớn nhất khiến dự án chậm triển khai là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo như thừa nhận của ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên “Một trong những vướng mắc kéo dài ở dự án này là công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong. Nếu có mặt bằng thì công tác thi công chỉ thực hiện trong 3 – 4 tháng” .
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 4453/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án cải tạo nâng cấp ngõ 66 Thanh Am, đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên gần 38,5 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng từ gần 14,5 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm quận Long Biên tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng (ngày 9/5/2024), mức đền bù cho người dân vẫn là 16,6 triệu đồng/m2 và 26,5 triệu đồng/m2. Bản thân ông Nguyễn Việt Hùng khi làm việc với phóng viên Báo Điện tử VOV cũng thừa nhận “Mức đền bù khá thấp và có sự chênh lệch lớn so giá thị trường hiện nay. Mức giá đất này được áp dụng theo quyết định phê duyệt từ năm 2020, nên mức giá thấp cũng là vì vậy?”.
Tại Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 9/4/2019 phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 66 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu là UBND quận Long Biên: – Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Quận và đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai các bước tiếp theo (khảo sát, lập trình thẩm định phê duyệt dự án,…), phải nghiên cứu, tính toán nhiều phương án thiết kế để phân tích, lựa chọn phương án thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư đảm bảo: Tối ưu về kinh tế, kỹ thuật cho tất cả các hạng mục công trình trên tất cả các mặt (hình thức, quy mô, kết cấu, biện pháp thi công công trình; tiêu chuẩn kỹ thuật); đầu tư triệt để tiết kiệm, hiệu quả cao, suất đầu tư thấp; tuyệt đối không được để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư…
Người dân bức xúc đặt câu hỏi, trong khi UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh, tăng mức hỗ trợ đền bù cho người dân thì tại sao UBND quận Long Biên vẫn áp dụng mức đền bù cũ? Liệu có sự tắc trách khi chậm tham mưu phê duyệt mức giá đền bù mới hay còn vấn đề gì khuất tất? Sau thời điểm cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên mới chỉ cho biết “trong thời gian tới, UBND quận Long Biên sẽ tiếp nhận thông tin kiến nghị, tổng hợp, xem xét những trường hợp thực sự khó khăn, nếu có bất cập trong quá trình thực hiện dự án, sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội tháo gỡ” như vậy có quan liêu?
Bà Nguyễn Thị Đoán (60 tuổi, sống tại tổ 26 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) bức xúc: “Sau 2 lần điều chỉnh dự án thì số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân tăng từ gần 14,5 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng. Tổng số tiền đền bù của dự án tăng lên gấp đôi như vậy nhưng tại sao mức giá đền bù thực tế cho người dân vẫn áp dụng theo mức giá cũ là 16,6 triệu đồng/m2 và 26,5 triệu đồng/m2. Vậy số tiền đội lên đi đâu?”.
Liên quan đến thông tin cho rằng nhiều năm nay, tập thể người dân ở ngõ 66 Thanh Am đã rất nhiều lần gửi kiến nghị đến UBND quận Long Biên nhưng nhận lại chỉ là những nội dung trả lời nói về thẩm quyền, trách nhiệm từ UBND TP Hà Nội, chuyên gia TS. Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đô thị khẳng định: “Chủ đầu tư dự án hoàn toàn có chức năng tham mưu, đề xuất sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị và nắm bắt thực tiễn lên để các cơ quan có thẩm quyền quyết định”.
Quy hoạch giao thông không phải là “san bằng kẻ thẳng”
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho biết, nhiều nơi người dân rất khổ về vấn đề giải phóng mặt bằng vì việc áp dụng giá đền bù rất thấp, không phù hợp với thực tiễn, không tạo điều kiện cho người bị mất đất, mất nhà đi nơi khác có nhà mới bằng hoặc hơn nhà cũ.
“Trong quy hoạch đường giao thông và giải phóng mặt bằng không có nghĩa là “san bằng kẻ thẳng”. Cần quy hoạch giao thông để làm sao chỗ nào cần tránh thì điều chỉnh quy hoạch, thiết kế làm sao vẫn đảm bảo tốc độ thiết kế và an toàn cần thiết. Chủ đầu tư khi thiết kế đường, cần tính toán kỹ chi phí giải phóng mặt bằng với tiền xây dựng, làm sao rút gọn chi phí, đặc biệt không tác động xấu đến khu dân cư và các vấn đề văn hóa, xã hội khác”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, khi thiết kế đường giao thông cần phải khoa học, hợp lý, giảm chi phí, phù hợp với thực tiễn: “Cơ quan quản lý cần xem xét kỹ, đừng chỉ dựa vào việc đất đai thuộc quyền quản lý nhà nước, thực hiện dự án công cộng thì muốn lấy đất của dân thế nào thì lấy,… Nhiều người dân phải rất vất vả, đổ mồ hôi nước mắt, tích cóp cả đời mới mới mua được đất, xây được nhà. Chính vì vậy, chính quyền khi thực hiện dự án cần cân nhắc đến việc người dân sống từ bao đời ở đó, nếu không xem xét kỹ, chỉ một quyết định thiếu cân nhắc, xa rời thực tế một chút là đã khiến người dân mất đất mất nhà, xa làng, xa quê…”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, các dự án chậm tiến độ, đội vốn chủ yếu do quy hoạch không tốt, phương pháp, cơ chế giải phóng mặt bằng không phù hợp. Cách tính toán, tầm nhìn cơ quan quản lý không rõ ràng, không chắc chắn, thiếu thực tế.
“Để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án và các cơ quan quản lý dưới cơ sở cần phải lắng nghe ý kiến người dân, tham mưu, tư vấn giúp cơ quan chức năng điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn. Làm sao khi triển khai các dự án công cộng không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà người dân tại khu vực thụ hưởng cũng vui mừng đón nhận”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc liên quan đến dự án nâng cấp, cải tạo ngõ 66 Thanh Am trong thời gian tới.
– Dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 66 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 9/4/2019 với tổng mức đầu tư dự kiến là 22.861 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2019-2021.
– Ngày 14/11/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4453/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư cải tạo nâng cấp ngõ 66 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, trong đó: Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án: năm 2020-2023; Giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 38.406 triệu đồng. Điều chỉnh mức chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng từ gần 14,5 tỷ đồng (theo Quyết định 1953/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 của UBND thành phố Hà Nội) lên mức gần 30 tỷ đồng.
– Ngày 6/3/2024, UBND quận Long Biên ban hành Quyết định số 809/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 66 Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là: 2020-2024.