Vừa bán xong đã không thể mua được chỗ ở khác
Chị Minh Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết, vừa nhận cọc bán căn hộ 72m2 tại dự án Hanhome (Long Biên, Hà Nội). Cách đây 3 năm, chị mua căn hộ này với giá 24,5 triệu đồng/m2.
Hồi tháng 3/2024, người môi giới chào mua với giá 32 triệu đồng/m2 nhưng chị Ngọc không bán. Cách đây vài tuần, chị lại được môi giới báo lại giá chào mua lên tới 40 triệu đồng/m2.
“Khách mua với giá trên còn phải chịu toàn bộ chi phí sang tên và phí môi giới. Tính đủ chi phí sau khi sang tên, căn hộ tôi bán với giá gần 42 triệu đồng/m2. Tôi thấy khách rất thiết tha mua, bất chấp đang trong tháng 7 âm lịch, nên đã đồng ý bán và nhận cọc của khách”, chị Ngọc nói.
Vừa bán nhà xong, chị Ngọc bất ngờ được môi giới khác báo giá muốn mua căn hộ với giá tăng hơn 100 triệu đồng so với mức chị bán chỉ trong 1 tuần.
“Tôi bán nhà xong nhưng khi đem số tiền này cùng với khoản tiết kiệm trước đó tìm khắp quận Cầu Giấy cũng không mua được căn hộ chung cư có diện tích tương ứng. Những dự án tôi biết đến đều chào giá trên 70 triệu đồng/m2”, chị Ngọc cho hay.
Chị Ngọc Tuyên (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bất ngờ khi căn hộ tại dự án Nhà ở xã hội Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) của chị mua cách đây 8 năm bỗng nhiên được nhiều môi giới liên tục chào mua với giá mới lên gần 50 triệu đồng/m2.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nhà ở xã hội đã xuống cấp ở nhiều năm trời lại có giá tăng mạnh như hiện nay. Tôi mua căn hộ này với diện tích 69,9m2, 2 phòng ngủ nhưng chỉ 1 nhà vệ sinh với giá gốc 1 tỷ đồng. Đầu năm 2024, có khách trả 2,7 tỷ đồng nhưng tôi không bán.
Do cần tiền nên tôi đăng bán giữa tháng 8 và ngạc nhiên khi có khách chốt chỉ sau 1 ngày xem nhà với giá tăng nửa tỷ đồng. Sau nhiều năm ở giờ bán lại căn hộ tôi vẫn lãi gần 2 tỷ đồng”, chị Tuyên nói.
Tuy nhiên, chị Tuyên cho biết, hiện các căn nhà xã hội khu chị hiếm có người bán. Khi có căn nào bán ra là có khách chốt ngay. Không chỉ chung cư thương mại hay nhà ở xã hội đã qua sử dụng tăng giá, những dự án chung cư mới đang mở bán đều có mức giá trên 70 triệu đồng/m2.
Hiện, căn hộ chung cư mới với diện tích 60 – 70m2 có giá dưới 3 tỷ đồng gần như không còn xuất hiện. Thậm chí có dự án khu tây Hà Nội chào với giá hơn 100 triệu đồng/m2 cách trung tâm Hà Nội 20km nhưng người mua vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng , so với quý I/2024, ở quý II/2024, một số dự án căn hộ chung cư tại Hà Nội có sự tăng giá cao như tại khu đô thị Royal City, The Pride (tăng 33%); Mỹ Đình Sông Đà – Sudico (tăng 32%); Vinhomes West Point (tăng 28%)… Một số khu đô thị đã cũ như khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, giá chung cư cũng tăng 25%; khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên có mức tăng 20%… Mua căn hộ có giá bán biến động tăng chậm hơn thì người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm như Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Hoài Đức, Sài Đồng (Long Biên)… nhưng giá bán cũng không dưới 3 tỷ.
“Chưa nhìn thấy yếu tố nào khiến giá nhà có thể giảm”
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá chung cư đã tăng từ 5% đến 6,5% trong quý II/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng đạt đến 25%.
Mức tăng này không chỉ ở các dự án mới mà còn xảy ra đối với cả các căn hộ đã qua sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, số lượng giao dịch chung cư lại có xu hướng giảm so với quý I năm nay do giá nhà đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi.
Tính chung trong quý II, có gần 25.890 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, bằng 72,2% so với quý I/2024 và bằng 87,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Thị trường và Am hiểu Khách hàng OneHousing, tính đến quý II/2024, mặt bằng giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội trung bình đạt khoảng 65 triệu đồng/m2, tăng 25% theo quý và 29,8% theo năm. Trong đó, giá căn hộ tại khu vực phía tây của Thủ đô đang cao nhất toàn thị trường, khoảng 70 triệu đồng/m2, trong khi giá tại khu phía đông của Hà Nội thấp hơn, với khoảng 56 triệu đồng/m2.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của OneHousing, cho biết nguồn cung dự án mới hiện nay không nhiều, với dự báo tổng nguồn cung tại Hà Nội trong năm 2024 chỉ khoảng 22.000 căn.
Trong khi đó, mỗi năm, Thủ đô đón thêm khoảng 160.000 cư dân, tạo ra nhu cầu sở hữu nhà ở rất lớn. Ngoài ra, Việt Nam đang chứng kiến tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu nhanh bậc nhất thế giới, với nhu cầu sở hữu nhà ở phân khúc trung và cao cấp ngày càng lớn.
Các chủ đầu tư cũng phải phát triển các dự án để đáp ứng nhu cầu này, kéo theo việc giá các dự án chung cư cũng bị đẩy lên cao.
Ông Trung nhận định, với việc chi phí đầu vào tăng cao từ đất, thiết kế, xây dựng cảnh quan, đến tiện ích, rất khó để kỳ vọng giá chung cư sẽ giảm.
Hơn nữa, các chủ đầu tư hiện tại đều tập trung vào các đại đô thị với chi phí phát triển dự án cao, do đó giá bán các căn hộ cũng bị đẩy lên. Dự báo cho thấy nguồn cung căn hộ trong thời gian tới sẽ chưa được cải thiện nhiều.
Dự kiến đến năm 2025, nguồn cung sẽ đạt 23.000 căn và năm 2026 là 24.000 căn. Theo ông Trung, việc chờ đợi giá căn hộ giảm là rất khó, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Trong các năm 2024, 2025 và 2026, ông không nhìn thấy yếu tố nào có thể khiến giá bất động sản căn hộ giảm.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thị trường địa ốc đang thiếu nhà ở thuộc phân khúc vừa túi tiền lẫn hạng sang. Nhiều dự án vẫn gặp khó khăn về gỡ vướng pháp lý để triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, câu chuyện quỹ đất và chi phí phát triển dự án cũng khiến giá nhà khó giảm dù ở phân khúc nào. Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các nhà phát triển dự án cũng cần tính bài toán về thanh khoản thị trường do khi giá tăng, giao dịch sẽ bị ảnh hưởng.
“Các doanh nghiệp địa ốc đang rất khó khăn trong định vị sản phẩm, giá thấp thì không được, còn cao quá lại khó bán. Nhiều chủ đầu tư không thể điều chỉnh giá thấp hơn được do chi phí đầu vào tăng, buộc phải bán cao”, ông Khương cho hay.