Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 34 quy định phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/6/2024.
Theo đó, trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, dân số nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp làm nhà ở thương mại được xác định theo chỉ tiêu 3,6 người/căn hộ, hoặc xác định theo cơ cấu phòng ở và diện tích sử dụng căn hộ tương ứng.
Với căn hộ 1 phòng ở của chung cư thương mại, diện tích sử dụng 25-45m2 tính 1 người; căn hộ 2 phòng ở, diện tích sử dụng trên 45-70m2 tính 2 người; căn hộ trên 70-100m2 tính 3 người. Căn hộ từ 3 phòng trở lên, diện tích trên 100-125m2 tính 4 người; từ 125m2 trở lên tính 5 người ở.
Với nhà ở xã hội, căn hộ 1 phòng ở, diện tích sử dụng 25-45m2 tính 1 người; căn hộ 2-3 phòng, trên 40-55m2 tính 2 người; trên 55-70m2 tính 3 người; trên 70-77m2 tính 4 người ở.
Song, số người ở thực tế trong mỗi căn hộ hiện tại thường cao hơn chỉ tiêu mới được lập ra. Vì vậy, quy định về phương pháp xác định này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhiều người lo lắng việc sử dụng chung cư về sau sẽ bị hạn chế số người ở.
Nhận định về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy định trên không thực tế mà sẽ làm cho nguồn cung của chung cư càng thiếu hơn và là một trong những lý do khiến giá chung cư sẽ tiếp tục tăng cao.
Cũng theo ông Võ, quy định về chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp trên nếu làm tiêu chuẩn chung cư để Việt Nam phấn đấu thì được còn làm quy định mang tính pháp luật chắc chắn không thực thi được mà sẽ làm cho thị trường yếu đi.
“Thực tế chúng ta đang tìm phương pháp chữa bệnh yếu kém hạ tầng của đô thị, bằng cách đưa ra các tiêu chí như quy định về số lượng người ở chung cư. Tuy nhiên, chúng ta đang có một quá trình đô thị hóa không bền vững, điều này khiến cho hạ tầng của đô thị ngày càng xuống cấp”, ông Võ cho hay.
Ý kiến của TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì cho rằng, thành phố phải tính toán tỷ lệ tăng dân số để nâng chất lượng hạ tầng. Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích sống cao thì chủ đầu tư phải xây căn hộ rộng, đẩy giá thành lên cao, nhất là ở nội đô nơi có quỹ đất hạn chế. Còn trong bối cảnh giá căn hộ đang cao, điều này sẽ khiến một bộ phận lớn người dân ở đô thị không đủ khả năng mua được nhà.
Ngoài ra, việc Hà Nội đặt chỉ tiêu căn hộ tối thiểu 25m2 cho 1 người thì các căn hộ nhỏ dưới 25m2 sẽ không được xây dựng. Do vậy, cần phải phân chia linh hoạt theo nhu cầu người dân trong các dự án.
Ông lấy ví dụ tại Thái Lan, Singapore có những căn hộ chỉ 15-23m2 dành cho người độc thân, không có bếp, có khu sinh hoạt, giải trí chung trong tòa nhà. Việt Nam cũng có thể phát triển những dạng căn hộ này phục vụ người độc thân. Còn đối với những căn hộ nhà xã hội, ông Đính kiến nghị nên tăng chỉ tiêu số người, hoặc có diện tích nhỏ hơn quy định hiện nay để vừa túi tiền với nhóm thu nhập thấp.
Trước những diễn biến trái chiều trên, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng cho biết, nhiều người đang hiểu nhầm quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo vị đại diện, việc xác định chỉ tiêu dân số là nhằm khống chế quy mô dân số và cơ cấu căn hộ của dự án trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình của dự án… chứ không phải Hà Nội quy định để cấm người dân ở quá trong căn hộ.
Cũng theo lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, đây là quy định hướng dẫn về các tính dân số để cân đối bài toán quản lý nhà nước, hoàn toàn không phải quản lý hộ khẩu. Ngoài ra, đây còn là phương pháp linh hoạt tính dân số cân đối được hạ tầng, không gây khó khăn cho người dân, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư khi xây dựng dự án.