Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Hà Nội sắp làm đường Vành đai 3,5 đoạn đi qua Khu đô thị Kiến Hưng

-

Đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có tổng vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng, đi qua địa phận 10 xã/ phường và các dự án như khu đô thị Kiến Hưng, khu dân cư xã Hữu Hòa, xã Tả Thanh Oai, xã Vĩnh Quỳnh và xã Ngũ Hiệp…

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng TP Hà Nội vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Tuyến đường Vành đai 3,5 là tuyến đường nằm giữa Vành đai 3 và Vành đai 4. Theo quy hoạch, đây là trục giao thông xuyên qua khu dân cư hiện trạng và các khu đô thị mới của các quận nội thành với khả năng tạo động lực lớn cho việc việc phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Hà Nội. Đường Vành đai 3,5 bắt đầu từ khu công nghiệp Quang Minh qua cầu Thượng Cát kéo dài đến cầu Ngọc Hồi và kết thúc tại điểm giao cắt với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) với tổng chiều dài khoảng 42 km. Trong đó tuyến đường Vành đai 3,5 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Trì (từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) theo quy hoạch có chiều dài khoảng 10,34 km.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Tranh Trì sẽ đồng bộ hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân nói chung và các khu đô thị mới dọc theo tuyến đường 3,5 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Tranh Trì nói riêng, phục vụ việc lưu thông của dân cư trong và ngoài khu vực tuyến đường đường VĐ3,5 (đoạn Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ). Với các yếu tố trên, việc đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Phạm vi Dự án: Tổng chiều dài dự án khoảng 10,34km, đi qua địa phận quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Điểm đầu: tại Km0+000, đường Phúc La Văn Phú – Quận Hà Đôngi; Điểm cuối: Dự kiến tại Km10+340, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trên địa phận huyện Thanh Trì.

Tuyến đường đi qua địa phận 10 xã/Phường: Quận Hà Đông (3 phường): Phường Phú La, Kiến Hưng, Phú Lương và huyện Thanh Trì (7 xã): Xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp.

Hà Nội sắp làm đường Vành đai 3,5 đoạn đi qua Khu đô thị Kiến Hưng- Ảnh 1.

Ảnh sơ đồ tuyến dự án. (Ảnh từ báo cáo)

Về hiện trạng quản lý, sử dụng đất của dự án, tổng diện tích đất dự kiến cần thu hồi của dự án khoảng 130 ha, trong đó, đất trồng lúa hai vụ khoảng 48,5 ha.

Diện tích chiếm dụng tạm thời khoảng 6.000 m2 để làm công trường. Tuyến nghiên cứu với quy mô mặt cắt ngang lớn từ 60 – 80 m, cắt qua nhiều khu vực có địa hình khác nhau, khu vực bãi trống, đất trũng ao hồ, sông nhỏ hoặc qua khu dân cư hiện hữu đông đúc.

Cùng với đó, đoạn tuyến Vành đai 3,5 này còn đi qua các dự án như khu đô thị Kiến Hưng, khu dân cư xã Hữu Hòa, xã Tả Thanh Oai, xã Vĩnh Quỳnh và xã Ngũ Hiệp… Đoạn tuyến cũng cắt qua sông Nhuệ, sông Hòa Bình Sông Tô Lịch và một phần các khu đô thị hai bên đường.

Cụ thể, về diện tích giải phóng mặt bằng, đất giao thông gần 16 ha; đất sông ngồi kênh, rạch 4,3 ha; đất nông nghiệp 57 ha; đất nuôi trồng thủy sản 23 ha; đất thổ cư hơn 13 ha; đất cơ quan 2,7 ha; đất nghĩa trang 0,8 ha; đất khác chưa sử dụng là 13 ha.

Về quy mô dự án, đây là dự án nhóm A (khoản 3 điều 08 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 18/6/2014); loại công trình giao thông đường bộ; Đường trục chính đô thị; tốc độ thiết kế 80 km/h; Quy mô mặt cắt ngang rộng từ 60 – 80 m.

Cơ cấu mặt cắt ngang đoạn đầu tuyến bao gồm 6 làn xe cơ giới đường chính rộng 22,5 m; một dải phân cách giữa 4 m; hai dải phân cách bên 2 m; 4 dải an toàn 2 m; làn xe song hành rộng 13,5 m; hai vỉa hè 16 m. Như vậy, tổng bề rộng nền đường là 60 m.

Mặt cắt ngang điển hình đoạn Km1+200 – cuối tuyến có bề rộng 80 m. Cơ cấu tương tự như đoạn đầu tuyến, riêng phần xe chạy song hành hai bên cơ cấu đảm bảo theo quy hoạch 3 làn xe (hỗn hợp và thô sơ); phân cách biên 6,5 m đất dự trữ để có thể mở rộng khi nhu cầu giao thông trơng tương lai tăng cao.

Cơ cấu mặt cắt ngang đoạn này bao gồm 6 làn xe cơ giới đường chính 22,5 m; một dải phân cách giữa 4 m; hai dải phân cách bên rộng 13 m; 4 dải an toàn 2 m; ba làn xe hỗn hợp và thô sơ 22,5 m và hai vỉa hè 16 m.

Trên tuyến có bố trí 6 cầu bao gồm: cầu sông Nhuệ, cầu Hòa Bình và cầu Tô Lịch, cầu vượt Đường sắt, cầu vượt QL1A và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ có quy mô mặt cắt ngang phù hợp với quy mô tuyến đường.

Tuyến dự án gồm có các nút giao chính như sau: Nút giao Văn Khê (Km0); Nút giao đường trục phía Nam vượt đường sắt (Km1+757,80); Nút giao đường sắt hiện hữu (Km5+857,55); Nút giao QL.1A (Km 9+147,75) và Nút giao cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ (Km 10+324,36).

Tổng mức đầu tư của tuyến đường này hơn 5.600 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories