Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6 km. Điểm đầu tại ngã 5 phố Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông và điểm cuối tại khu vực giao cắt với quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh). Công trình được xây dựng vĩnh cửu với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Các cầu nhánh trong nút giao có bề rộng từ 7 đến 9m. Các nút giao trên tuyến được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh gồm: Nút giao phía quận Hoàn Kiếm (giao với đường đê Hữu Hồng, Trần Hưng Đạo), nút giao với đường Cổ Linh, nút giao với đường Nguyễn Sơn và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên).
Dự án có số vốn xây dựng tư được đơn vị lập dự án là CTCP Him Lam với hơn 16.374 tỷ đồng, đi qua địa bàn các quận Hoàn Kiếm (các phường: Phan Chu Trinh, Chương Dương), quận Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và quận Long Biên (các phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban Giao thông) cho biết, theo kế hoạch đã được lập, cầu Trần Hưng Đạo có công tác chuẩn bị, lập thiết kế trong năm 2023 – 2024; thi công trong giai đoạn 2025-2027, cơ bản hoàn thành trong năm 2027.
Dự án được triển khai theo 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 sẽ là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên. Dự án thành phần 2 bao gồm đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường dẫn 2 đầu cầu; đầu tư xây dựng tuyến đường từ nút giao Cổ Linh đến điểm cuối dự án tại phố Vũ Đức Thận (phường Gia Thụy, quận Long Biên).
Về nguồn vốn đầu tư dự án, Ban Giao thông đề xuất thành phố sử dụng vốn đầu tư công thực hiện dự án thành phần 1. Dự án thành phần 2 triển khai theo hình thức hợp đồng PPP (đối tác công – tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tỷ lệ sử dụng 50% vốn ngân sách địa phương và đưa vào danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên cũng là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Sở GTVT được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng.
Đây là cây cầu thứ 7 nối trung tâm thành phố và các quận, huyện bên kia sông Hồng, cũng là cầu dây văng thứ 2 sau Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội. Công trình nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên).
Theo phương án thiết kế được phê duyệt, Tứ Liên là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội. Nhịp cầu dài 1.000m, khoảng cách trụ 500m, đỉnh tháp cao 158m, chịu được động đất cấp 8.
Cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới.
Cầu Tứ Liên có vẻ đẹp mềm mại, việc hình thành cây cầu trong nội đô bắc qua sông Hồng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc, hình thành cửa ngõ thứ ba bên cạnh cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân, từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố.
UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo Quyết định số 4098/QĐ- UBND ngày 28/10/2022.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đang tổ chức công tác chuẩn bị đầu tư.
Cầu Hồng Hà thuộc dự án đường Vành đai 4 có chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 6 km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng cũng được dự kiến khởi công vào tháng 10/2024, hoàn thành sau 3 năm.
Theo quy hoạch, phía Bắc cây cầu nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu Hồng Hà giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai.
Trước đó, theo dự án nghiên cứu tiền khả thi, cầu Hồng Hà rộng 17,5m (mặt cắt ngang) nhưng sau đó nâng lên 24,5m nhằm đảm bảo 4 làn xe cơ giới, mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ.