Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Hà Nội tập trung nguồn lực xây thêm 9 cầu vượt sông Hồng

-

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc, đồng thời đang tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.

Xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương sáng nay (8/1), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tăng trưởng đạt 6,52% (năm 2023 là 6,27%).

Quy mô GRDP thành phố đạt gần 59 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.500 USD. Thu ngân sách đạt 509,3 nghìn tỷ đồng ( lần đầu tiên vượt 500 nghìn tỷ đồng ), tăng gần 23,8% so với 2023; trong đó thu nội địa chiếm gần 94%. Vốn FDI đạt trên 2 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 29 nghìn, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 400 nghìn.

Hà Nội tập trung nguồn lực xây thêm 9 cầu vượt sông Hồng- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, nhiều công trình, dự án của thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện nay đã có 9 cầu); đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu ( Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc ), đồng thời đang tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi).

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đang quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường với tinh thần triệt để, thực chất, toàn diện; phát động phong trào “Sáng, xanh, sạch, đẹp Thủ đô”, với cách làm mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia.

Đáng chú ý, theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí”, đưa nội dung phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy nguồn lực đầu tư xã hội.

Vẫn theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, năm 2025, Hà Nội đã xác định 325 nhiệm vụ và kế hoạch. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tập trung quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tăng tốc , bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất, với tinh thần Hà Nội sẵn sàng tâm thế, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để cùng đất nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TPHCM huy động 620.000 tỷ đồng để bảo đảm tăng trưởng 10% trở lên

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, năm 2024, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng 7,17%; thu ngân sách khoảng 508.000 tỷ đồng.

Theo ông Mãi, nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, thành phố đã giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhiều dự án tồn đọng trong nhiều năm đã được khởi động trở lại, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó có tuyến Metro 1.

Hà Nội tập trung nguồn lực xây thêm 9 cầu vượt sông Hồng- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Nhiều công trình giao thông đã hoàn thành, khánh thành vào cuối năm 2024; nhiều dự án lớn, đề án lớn đã được chuẩn bị, thông qua cơ quan thẩm quyền, như đề án Trung tâm tài chính quốc tế, đề án đường sắt đô thị, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4, cao tốc TPHCM-Mộc Bài… Theo ông Phan Văn Mãi, đây là những dự án hạ tầng chiến lược của vùng.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 1568 đã làm việc với TPHCM về những tồn đọng, vướng mắc và chắc chắn trong thời gian sắp tới sẽ tháo gỡ được nhiều hơn, giải phóng được nguồn lực nhiều hơn, đóng góp cho tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025.

Năm 2025, thành phố triển khai 22 chỉ tiêu với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xác định sẽ nghiêm túc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương gắn với tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ, tái cơ cấu đội ngũ công chức viên chức và chuyển đổi số mạnh mẽ, để nâng cao hiệu lực hiệu quả.

Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các chỉ thị của Thủ tướng, UBND thành phố, tập trung nâng cao kỷ cương hành chính, tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư để huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng để bảo đảm được tăng trưởng từ 10% trở lên…

Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung, trong đó, đề nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo để giúp giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy , ông Mãi cho biết, thành phố rất mong muốn có định hướng, khung pháp lý để hệ thống cơ quan hành chính nhà nước quản lý những vấn đề chính, cơ bản, còn những việc có thể chuyển giao cho nền kinh tế, cho xã hội thì cần sớm có khung pháp lý để phát huy lực lượng của nền kinh tế, của xã hội.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch hai hội đồng vùng kinh tế rất quan trọng là Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Đông Nam Bộ nên có nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để phát huy liên kết vùng, phát huy nguồn lực 2 vùng. Theo ông Mãi, nếu phát huy tốt, 2 vùng này sẽ đóng góp trên 50% GDP của cả nước, giúp cho đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories