Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Hà Nội thu hồi, bãi bỏ 153 dự án chậm triển khai

-

Theo UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, chấm dứt hoạt động hoặc thôi giao chủ trương nghiên cứu với 153 dự án chậm triển khai trên địa bàn.

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn.

Tại báo cáo nói trên, UPBND TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch với 153 dự án.

Theo thống kê, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai với tổng quy mô khoảng trên 11.300 ha đất. Đến ngày 15/6, 705 dự án trong số này đã có kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng. 7 dự án còn lại đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.

UBND TP Hà Nội cũng thông tin đã đưa 410 dự án với tổng diện tích hơn 9.000 ha ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát. Con số này tăng thêm 80 dự án so với cuối năm ngoái.

Trong đó, 155 dự án sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại. 12 dự án được đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND TP. 44 dự án đang được nhà đầu tư thực hiện theo tiến độ và quy định pháp luật đầu tư.

Vừa qua, Hà Nội cũng gia hạn tiến độ thêm 24 tháng cho 295 dự án bởi nguyên nhân ảnh hưởng bất khả kháng từ đại dịch. Trong đó, chủ đầu tư của 110 dự án phải nộp thêm cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng.

Hà Nội thu hồi, bãi bỏ 153 dự án chậm triển khai- Ảnh 1.

Một dự án có vị trí đắc địa phía Tây Hà Nội nhưng cũng “treo” hơn một thập kỷ qua tại Hà Nội

Cần xử lý tận gốc dự án “treo”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm dự án tại Hà Nội dù treo nhiều năm vẫn chưa bị thu hồi là do còn có lợi ích nhóm.

Trước tình trạng Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai, “treo” nhiều năm, trong đó không ít là các dự án đô thị trong bối cảnh thành phố vẫn thiếu nhà ở, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng có thể nguyên nhân chính đến từ việc đang có lợi ích nhóm, quyền lợi của chủ đầu tư đã được “gắn” với cơ quan, công chức quản lý, thừa hành luật pháp.

Hà Nội thu hồi, bãi bỏ 153 dự án chậm triển khai- Ảnh 2.

Giáo sư Đặng Hùng Võ

Nhận định về quá trình hình thành các dự treo tại Hà Nội, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ trong các giai đoạn trước đây khi quy định về xin và cấp dự án còn tương đối “dễ” thì nhiều chủ đầu tư do có quan hệ dù không có tiền nhưng vẫn xin được dự án, có đất rồi thì thở phào nhẽ nhõm là đã có đất.

“Sau khi xin được đất thì chủ đầu tư mới túc tắc đi tìm kiếm nguồn vốn, có khi lâu quá thì cứ để đất đấy miễn là cơ quan nhà nước không sờ gáy và từ trước đến nay, Hà Nội cũng hiếm khi “sờ gáy” doanh nghiệp nào có dự án treo. Do đó, có những dự án đã giao đất đến 20 năm nhưng nếu chưa có sự đôn đốc thì doanh nghiệp cứ để đấy do cho rằng đã nộp tiền sử dụng và được giao đất rồi, đầu tư chậm ngày nào hay ngày đó, giá đất vẫn lên, lãi vốn gấp nhiều lần việc đầu tư dự án”, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết.

Thực tế cho thấy, hiện nay, pháp luật đã có những quy định tương đối đầy đủ đối với việc giám sát và xử lý các dự án treo.

Cụ thể, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, UBND cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm theo dõi toàn bộ trách nhiệm việc thực thi pháp luật trên địa bàn, xử lý những trường hợp các dự án triển khai trái quy định của pháp luật, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên trên. Nhiều cấp cơ sở nói rằng không biết việc dự án vi phạm về tiến độ, giả sử như nếu cấp trên phê duyệt dự án mà không chuyển hồ sơ về thì cấp cơ sở phải lên cấp trên đòi hồ sơ về.

“Nếu dự án có cấp huyện cấp thì cấp tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, UBND cấp tỉnh cấp thì Thanh tra Chính phủ hay Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng,… đều phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra. Với những dự án lớn hơn nữa thì có cả Quốc hội giám sát. Như vậy, chúng ta có vcó rất nhiều cơ quan tham gia thanh tra, kiểm tra nhưng thực tế công tác này lại chưa thật sự hiệu quả”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định.

Chia sẻ về giải pháp cho tình trạng trên, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng mấu chốt của vấn đề là cần có quy định để điều chỉnh những “khoảng hở” liên quan đến lợi ích bởi nếu chính quyền còn làm ngơ cho dự án treo thì chắc chắn phải có lợi ích nhóm ở đâu đó.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có tình trạng trạng mất cân đối cung cầu hiện nay thì việc để hàng trăm dự án treo cần sớm được xử lý. Chính phủ cần sớm chỉ đạo tổng rà soát về dự án treo trên cả nước.

“Trong quá trình rà soát, cần phân loại, tìm ra những cán bộ có trách nhiệm liên quan từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, sai sót ở đâu thì xử lý ở đó. Không nghiêm khắc thì hệ thống chính quyền không thể mạnh được, những ai tiếp tay cho dự án treo thì cần phải xử lý, có như vậy mới có được thị trường bất động sản mới có thể phát triển lành mạnh được”, Giáo sư Đặng Hùng Võ khuyến nghị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories