Chủ Nhật, Tháng 1 26, 2025

Hà Nội: Trước năm 2035 sẽ hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị

-

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến trước năm 2035 sẽ hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, nhằm đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng.

Đó là một trong những nội dung tại Chỉ thị số 41-CT/TU về phát triển giao thông đường sắt đô thị (ĐSĐT) trên địa bàn thành phố, do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới ban hành.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy, thời gian qua, quá trình triển khai các dự án ĐSĐT còn chậm, gặp nhiều thách thức, vướng mắc. Ví như, nguồn lực đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay ODA, các dự án thường xuyên chậm tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng (GPMB) kéo dài dẫn đến đội vốn, lãng phí…

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên chủ yếu do thiếu sự đồng bộ trong phối hợp triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển các dự án đầu tư xây dựng ĐSĐT; cơ chế, kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với các cấp, ngành chưa sâu sát, chưa hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị thống nhất xác định ĐSĐT là trục xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Việc đầu tư và sớm đưa vào khai thác vận hành các tuyến ĐSĐT sẽ nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.

Hà Nội: Trước năm 2035 sẽ hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị

Hơn nữa, phát triển ĐSĐT phải đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, dần tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hệ thống ĐSĐT. Trong đó, nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Bên cạnh đó, phải cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ĐSĐT đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông vận tải của thành phố. Quá trình triển khai, phải quán triệt, thực hiện tốt phương châm: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, hiệu quả nhằm tháo gỡ các nút thắt, khơi thông nguồn lực tham gia đầu tư phát triển ĐSĐT.

Rà soát và cập nhật điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới ĐSĐT

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu rà soát và cập nhật điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới ĐSĐT cùng với việc điều chỉnh các Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính khả thi, đồng bộ; kết nối liên vùng để phát huy tối đa các lợi thế của loại hình ĐSĐT trong phát triển.

Nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) trong quy hoạch để khai thác và sử dụng hiệu quả giá trị từ quỹ đất, không gian ngầm tại khu vực xung quanh các nhà ga, khu vực depot.

Rà soát các quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, khu vực TOD và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các công trình lịch sử, văn hóa tại khu vực có các tuyến đường sắt đô thị.

Phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, nhằm đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng.

Ngoài ra, cần sớm triển khai Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT đô thị để đề xuất các giải pháp mới, với những phương thức quản lý dự án mới.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có chính sách thu hút các tập đoàn, công ty nước ngoài về thiết bị đường sắt đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam và chuyển giao khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu sớm triển khai xây dựng và hoàn thiện trung tâm điều hành tập trung hệ thống đường sắt đô thị (NOCC), hệ thống vé (AFC) bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu.

Được biết, hiện nay Hà Nội có 2 tuyến đường sắt trên cao đang hoạt động. ĐÓ là tuyến metro số 2A, ga Cát Linh – Hà Đông mỗi ngày đón khoảng 30.000 lượt hành khách và Tuyến metro đoạn Nhổn – ga Cầu Giấy mỗi ngày đón khoảng 20.000 lượt hành khách.

Theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị gồm 14 tuyến. Trong đó, 10 tuyến đã quy hoạch được rà soát, điều chỉnh hướng tuyến hoặc kéo dài; bổ sung 4 tuyến mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories