Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Hà Nội xem xét đề án tổng thể đầu tư đường sắt đô thị

-

Chiều 9/5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 5/2024 để xem xét một số nội dung chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm 2024 của HĐND thành phố, trong đó có tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc thông qua đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Tại phiên họp, tập thể UBND thành phố Hà Nội đã xem xét tờ trình, dự thảo Nghị quyết phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố; xem xét tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024, bổ sung, bố trí vốn năm 2024 cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội xem xét đề án tổng thể đầu tư đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 5/2024. Ảnh: PV.

UBND thành phố cũng xem xét tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc thông qua đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô ; xem xét tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc ủy quyền cho UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của ADB và EU.

UBND thành phố cũng xem xét tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với nguồn kinh phí thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội; phê duyệt Quyết định ban hành một số bộ định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực Công Thương Hà Nội theo đề nghị của Sở Công Thương.

Phiên họp cũng xem xét tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”; tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 5/7/2018 của HĐND thành phố về phân cấp thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 12/2021/NQHĐND ngày 8/12/2021 của HĐND thành phố sửa đổi Nghị quyết số 01/2018/NQHĐND ngày 5/7/2018 của HĐND thành phố; sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 quy định về Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”.

Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị vừa trình UBND thành phố Hà Nội Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 thành phố sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,9km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm, tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 16,208 tỷ USD.

Các tuyến có kế hoạch đáp ứng được mục tiêu này, gồm: Tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo -Thượng Đình và Nội Bài-Nam Thăng Long); tuyến số 3 (đoạn Nhổn – Ga Hà Nội và Ga Hà Nội-Yên Sở) và tuyến số 5 (Văn Cao-Hòa Lạc).

Đại diện UBND thành phố Hà Nội khẳng định, ngoài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, việc có thêm 3 tuyến đường sắt mới đưa vào sử dụng, lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường sắt đô thị sẽ đảm nhiệm được từ 7-8% thị phần vận tải công cộng, giúp lĩnh vực vận tải hành khách công cộng chung của thành phố (gồm xe buýt, đường sắt đô thị, buýt nhanh…) đảm nhiệm được 30 – 35% nhu cầu của người dân.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô, đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm là 50-55%, sau năm 2030 là 65-70%. Đến nay, theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội, thị phần vận tải hành khách công cộng của thành phố đạt khoảng 19,5%, chưa đạt chỉ tiêu quy hoạch đề ra cho từng giai đoạn phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories