Ghi nhận của PV Tiền Phong những ngày cuối tháng 9, hàng trăm hộ dân tại tòa chung cư A7, A8 Vạn Mỹ hối hả kiểm kê, thu dọn tài sản, đồ đạc có giá trị để di dời tới nơi ở tạm được chính quyền bố trí để sớm ổn định cuộc sống. Nhiều cán bộ phường hỗ trợ người dân thống kê, kiểm đếm tài sản, đồ đạc. Còn lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ tích cực hỗ trợ di dời tài sản cho người dân đến nơi ở tạm.
Là một trong những hộ thuộc diện di dời đầu tiên, bà Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ, gia đình bà ở chung cư A7 Vạn Mỹ hơn 20 năm qua, luôn nơm nớp vì căn hộ bà ở chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng (cấp độ D). Nhiều mảng tường vỡ, bong tróc lộ cốt thép, thấm dột, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài từ nhà này sang nhà khác… Mỗi khi bão lớn, gia đình bà và hàng xóm lại được cơ quan chức năng di dời, sơ tán.
Bà Phạm Thị Tiếp (80 tuổi) chia sẻ, bà với cháu ở trong căn hộ 30m2 tòa A8 hàng chục năm nay. Sau bão, gia đình bà được cơ quan chức năng bố trí ở tạm tại tầng 24 tòa HH1 Đổng Quốc Bình rộng 49m2, ở trung tâm thành phố với đầy đủ tiện ích.
Ông Lê Chưởng, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền thông tin, trước thời điểm bão số 3 đổ bộ, quận và các đơn vị liên ngành đánh giá tòa A7, A8 và dãy chung cư 5 tầng Vạn Mỹ không an toàn do đã xuống cấp nghiêm trọng (cấp D). Do đó, quận đề xuất sơ tán hàng nghìn hộ dân khu chung cư này tới nơi tạm lánh tránh bão. Sau bão, tòa A7 bị nghiêng, hư hỏng tổng thể từ kết cấu chịu lực đến tường che, có nguy cơ đổ sập, rất nguy hiểm. Do đó, quận Ngô Quyền và Sở Xây dựng đề xuất và thành phố quyết định di dời, bố trí khẩn cấp cho 200 hộ dân tại 2 tòa chung cư A7, A8 về tạm trú ở các khu chung cư 5 tầng Kênh Dương, Khúc Thừa Dụ và các khu nhà ở xã hội Đổng Quốc Bình. Đối với các hộ dân tự lo chỗ tạm cư, thành phố sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ/tháng để họ ổn định nơi ở.
75 tòa chung cư cũ nguy hiểm
Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền cho biết, tòa chung cư A7, A8 Vạn Mỹ hiện có 303 hộ dân sinh sống, phải di chuyển khẩn cấp. Đến nay, 110 hộ đã được bố trí tạm trú tại các căn hộ HH1 Đổng Quốc Bình; 84 hộ được bố trí tạm lánh tại chung cư phường Kênh Dương. Đối với các hộ còn lại, quận Ngô Quyền đang tiếp tục bố trí nơi ở cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, hiện toàn thành phố có 205 chung cư cũ xuống cấp, trong đó 97 chung cư ở mức nguy hiểm (cấp D). Những năm gần đây, địa phương đã phá 22 tòa, còn lại 75 tòa chung cư cũ với hơn 2.600 hộ dân sinh sống. Thành phố đã có chủ trương ngừng sử dụng, tổ chức di dời và sơ tán các hộ dân khỏi các chung cư nguy hiểm cấp D.
Tiến sĩ Vũ Thành Trung, Giám đốc Viện chuyên ngành kết cấu công trình (Bộ Xây dựng), cho biết, trước và sau cơn bão số 3, ông và đoàn công tác của đơn vị đã phối hợp Sở Xây dựng TP Hải Phòng khảo sát, thẩm định các chung cư cũ tại Hải Phòng. Theo ông, các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960-1970, phần lớn đã xuống cấp, không đủ điều kiện để người dân ở. Các tòa chung cư cũ chủ yếu có kết cấu xây dựng bằng gạch, nguồn vật liệu thời điểm đó không được tốt như hiện nay. Đến nay, các tòa chung cư này không đảm bảo an toàn về chịu lực, an toàn PCCC và điều kiện sống không đảm bảo. Do đó, các tòa chung cư này có thể đổ sập bất cứ lúc nào.