Cơ quan chức năng khẳng định 3 khu tập thể tại địa bàn 3 phường (Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên) có thể được cải tạo xây mới cao hơn 48 tầng nhưng phải đảm bảo không gia tăng mật độ dân số sau cải tạo.
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định, phê duyệt dự án lập chi tiết kế hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng và các vùng phụ cận tại quận Đống Đa.
Sau thời gian dài đi vào sử dụng, các công trình nhà đã xuất hiện các hư hỏng 1 số vị trí kết cấu chịu lực; các khu vực xuống cấp tại tầng mái, tầng 1; các bộ phận cơi nới gây ảnh hưởng đến công trình, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, đường giao thông; điều kiện đảm bảo phòng chống cháy nổ không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Mới đây, quận Đống Đa đã tổ chức Hội nghị công khai lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại 3 khu tập thể tại địa bàn 3 phường (Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên).
Thuyết minh của chủ đầu tư cho thấy dự kiến, quy mô dân số khu tập thể Trung Tự là 8.200 người, vùng phụ cận 4.050 người. Mật độ xây dựng toàn khu là 30-60%, giữ nguyên theo quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 được Hà Nội phê duyệt năm 2012. Chiều cao tối thiểu vẫn giữ từ 2 tầng, nhưng chiều cao tối đa được đề xuất nâng gấp đôi số tầng quy hoạch phân khu trước đó, từ 24 lên 48 tầng.
Nhiều khu nhà tại tập thể B3 Trung Tự xuống cấp, nhiều bức tường, nền nhà bị bong tróc, nứt vỡ và hệ đường dây điện lộn xộn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tập thể Trung Tự nằm trong khu vực thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng lại theo hướng cao tầng nhưng đảm bảo không làm gia tăng quy mô dân số. “Chiều cao có thể tăng lên, có thể hơn 48 tầng tuy nhiên phải đảm bảo nguyên tắc số căn hộ không đổi, mật độ dân số không đổi”, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nêu.
Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẳng định: Quy hoạch phân khu đô thị cũng định hướng nguyên tắc cải tạo các khu tập thể cũ theo hướng giảm mật độ, tăng tầng cao công trình nhưng không làm tăng quy mô dân số. Sau khi cải tạo, đơn vị chức năng cần ưu tiên bổ sung hạ tầng, công trình công cộng, không gian xanh đảm bảo tốt hơn.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây tổ chức thực hiện, đặc biệt lưu ý tập trung triển khai trước các nhà chung cư theo tiến độ giai đoạn 1 tại Kế hoạch số 329 ngày 31/12/2021 của UBND Thành phố. Trước thông tin về việc thành phố có chủ trương quy hoạch lại khu tập thể này, nhiều người dân tại các khu tập thể có nghe được thông tin nhưng chưa nắm rõ được quy hoạch của khu vực.
Sống 20 năm tại khu tập thể B3 Trung Tự, bà Lý (52 tuổi, Đống Đa) cho biết, khu tập thể theo thời gian cũng dần xuống cấp. Tại khu vực tầng 1 của gia đình bà thường xuyên ẩm thấp, bị dột nước nặng. “Cảnh sống ở nhà tập thể chuyện nước mưa ngấm sang nhà nhau là bình thường. Nhiều gia đình vì điều kiện sống không tốt đã lựa chọn chuyển đi. Điều kiện không tốt như vậy mà được cải tạo khang trang lại thì may mắn quá”, bà Lý nói.
Chị Thái Hà (30 tuổi, Đống Đa) sống cùng gia đình trong hơn 20 năm tại căn tập thể tầng 5 Đặng Văn Ngữ. Chị cho biết, khu nhà xuống cấp nhiều, đặc biệt là sau đợt mưa bão vừa rồi. “Gia đình mình đã có kế hoạch chuyển tới nơi khác sinh sống, nhưng đa số dân cư khu vực này lựa chọn vẫn sống tại đây vì vị trí thuận lợi. Việc đền bù người dân cũng mong muốn được bằng hoặc hơn các khu vực khác tương tự trong nội thành để đảm bảo quyền lợi cho người dân” chị Hà chia sẻ nguyện vọng.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẳng định: Hiện nay không còn vướng mắc gì liên quan đến lập quy hoạch chi tiết cho các khu chung cư cũ trên địa bàn. Các quận, huyện phải bắt tay vào làm. Đồng thời phối hợp với các Nhà đầu tư trước đây nghiên cứu lập nhiệm vụ và ý tưởng quy hoạch chung cư cũ trên địa bàn quản lý (đã ngừng nghiên cứu do không phù hợp quy định pháp luật hiện hành về đơn vị tổ chức lập quy hoạch) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) để tiếp nhận, tham khảo, tận dụng các nội dung đã thực hiện nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai lập quy hoạch chi tiết…