Vay ngân hàng 500 triệu cộng với khoản tiền sẵn có, anh C mua lô đất vườn tại tỉnh lân cận Tp.HCM từ giữa năm 2021 với giá 2,1 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay giá lô đất vẫn lỗ vài trăm triệu so với giá anh mua vào. Đáng nói, dù lỗ nhưng anh vẫn rất khó tìm người mua.
Chia sẻ mới đây, anh C cho biết, anh vay tiền theo dạng đáo hạn trong vòng 1 năm (tức hàng năm trả vào, rồi vay lại). Vì thế, mỗi năm anh vay lãi “nóng” bên ngoài để xử lý khoản nợ. Khi rút được tiền từ ngân hàng về, anh sẽ trả vào khoản vay đó. Đã hơn 3 năm, anh C đều đặn làm như vậy, trong khi lô đất không lên giá.
“Tôi chỉ còn cách chờ giá tăng, bù vào các chi phí trong hơn 3 năm qua. Hiện đất chưa về được giá mua ban đầu, cộng với tiền lãi ngân hàng hàng tháng, chi phí vay ngoài đáo hạn… tính ra, lô đất lỗ sâu”, anh C giãi bày.
Theo anh C, sau nhiều đợt rao bán không được, anh quyết định giữ đất chờ thị trường tốt lên. Hàng tháng, anh vẫn phải trả lãi ngân hàng khoảng 5 triệu đồng.
Trường hợp “chạy đôn đáo” đáo hạn ngân hàng như anh C không hiếm trên thị trường. Thời gian trước, hầu hết các nhà đầu tư vào thị trường đất nền trong tâm thế lướt sóng. Việc vay ngân hàng vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng trong khoảng thời gian ngắn diễn ra khá nhiều. Nhà đầu tư kì vọng sau khi lướt lô đất/căn nhà sẽ hưởng chênh và trả vào khoản đáo hạn.
Thế nhưng, thị trường gặp khó khăn, không ít nhà đầu tư “khổ sở” với khoản đáo hạn. Vừa trả lãi ngân hàng, vừa lo tất toán khoản vay đến hạn. Do thu nhập bấp bênh, nhiều người phải sử dụng đến khoản vay lãi cao bên ngoài để bù vào.
Theo ghi nhận, vừa qua, tín hiệu giao dịch đất nền phần lớn đến từ khu vực Tp.HCM. Đất tỉnh vẫn khó khăn về thanh khoản. Các nhà đầu tư ôm đất tỉnh tiếp tục chờ đợi tín hiệu từ sức cầu, hạ tầng giao thông khu vực. Sự phục hồi xuất hiện cục bộ ở một vài nơi, chưa đáng kể. Theo dự báo, có thể phải đến nửa cuối năm 2025 trở, thị trường đất nền lân cận Tp.HCM mới bước vào giai đoạn phục hồi.