Tại Hà Nam, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Nam vừa thông báo đấu giá quyền sử dụng đất đối với 74 lô đất thuộc Khu đấu giá tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam).
Dự kiến, phiên đấu giá sẽ diễn ra ngày 24/1 tại hội trường UBND xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân.
Các lô đất có diện tích 114 – 186 m2/lô với giá khởi điểm từ 480.000 – 600.000 đồng/m2, tương đương gần 60,5 – 109,6 triệu đồng/lô. Tiền đặt trước các lô đất từ hơn 12 triệu đồng đến hơn 21,9 triệu đồng/lô.
Ngày 22/1, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Nam cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 59 lô đất thuộc Khu đấu giá tại xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân. Các lô đất có diện tích 125 – 197m2/lô với giá khởi điểm 330.000 – 550.000 đồng/m2, tương đương 41-90,7 triệu đồng. Tiền đặt trước là từ 8,3 triệu đồng đến hơn 18 triệu đồng/lô.
Ngày 23/1, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Nam sẽ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 70 lô đất thuộc Khu đấu giá tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Các lô đất có diện tích 124 – 198m2/lô với giá khởi điểm 576.000 – 720.000 đồng/m2, tương đương 71,6 – 127,6 triệu đồng. Tiền đặt trước là từ 14,3 triệu đồng đến 28,5 triệu đồng/lô.
Tại Hưng Yên, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 137 thửa đất là tài sản của UBND huyện Ân Thi vào sáng 9/2.
Các thửa đất đấu giá tại khu dân cư phía bắc thuộc Khu liên hợp thể thao, văn hoá và dân cư huyện trên địa bàn thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi.
Diện tích các thửa đất từ 90 – 280,7 m2/thửa. Giá khởi điểm từ 19,2 – 31,2 triệu đồng/m2, tương đương mỗi lô có giá từ hơn 1,7 tỷ đến trên 7,8 tỷ đồng.
Thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ đến 17h ngày 5/2 tại nhà văn hoá huyện Ân Thi; trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt.
Khách hàng nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm đến 17h ngày 5/2 vào tài khoản ngân hàng của Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng tại phiên đấu giá; phương thức trả giá lên.
Cuộc đấu giá sẽ diễn ra tại Nhà văn hoá huyện Ân Thi.
Chiều cùng ngày, cũng tại địa điểm đấu giá trên, đơn vị đấu giá tiếp tục đấu giá 136 thửa đất. Các thửa đất đấu giá cũng tại khu dân cư phía Bắc thuộc Khu liên hợp thể thao, văn hoá và dân cư huyện trên địa bàn thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi.
Diện tích các thửa đất từ 100-295,2 m2/thửa. Giá khởi điểm 19,2-27,6 triệu đồng/m2, tương đương mỗi lô có giá từ hơn 1,9 tỷ đến trên 7,6 tỷ đồng.
Thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ đến 17h ngày 5/2 tại Nhà văn hoá huyện Ân Thi; trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng tại phiên đấu giá; phương thức trả giá lên.
Giải pháp căn cơ ngăn trục lợi khi đấu giá đất
Thời gian qua, không ít vấn đề đã phát sinh liên quan đến công tác đấu giá đất. Theo đó, để khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng “thổi” giá đất trục lợi, theo Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy, các địa phương cần công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá; nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất.
Tại diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” diễn ra vào ngày 24/22/2024, trả lời câu hỏi của đại biểu nông dân, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để khắc phục và chấn chỉnh các hoạt động đấu giá đất, xử lý nghiêm đối với các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá trục lợi.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh để khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng “thổi” giá đất trục lợi, các địa phương cần công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá.
Giải pháp tiếp theo là các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất.
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định lại giá đất cho phù hợp với mặt bằng giá thực tế, tuy nhiên vừa qua có một số địa phương được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn lấy giá đất khi chưa có đầu tư về hạ tầng để làm giá khởi điểm. Việc này dẫn đến giá khởi điểm tính đấu giá với giá khu đấu giá có khoảng cách lớn, dẫn đến nhiều đối tượng mong muốn thông qua đấu giá để mua trục lợi.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường các giải pháp về nguồn cung đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, có giá cả hợp lý để người dân có thể chi trả và mua sử dụng; tránh tình trạng mất cân đối cung cầu về đất, nhà ở bởi khi cung cầu không gặp nhau thì giá bị đẩy lên cao.
Trong quy chế đấu giá, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, các tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu quy định rút ngắn thời gian nộp tiền đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao bỏ cọc, tránh trường hợp trục lợi.
Để áp dụng, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trên, các địa phương cần cần thực hiện nghiêm các quy định về Luật đấu giá tài sản; Luật giá; Luật Đất đai năm 2024.
Cuối cùng các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để khắc phục các tình trạng về đấu giá đất
Giải đáp thêm thắc mắc về cơ chế chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, góp phần tạo thêm nhiều nguồn quỹ đất, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 có những quy định “rất mới và mở”.
Nếu theo Luật Đất đai năm 2013, người dân có nhu cầu đất ở phải tham gia đấu giá thì tại Điều 124 Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
“Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không qua đấu giá trong các trường hợp như giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng; giao đất ở cho cá nhân là giáo viên, nhân viên y tế đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo; giao đất ở cho cá nhân thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở…”, ông Đào Trung Chính dẫn chứng.