Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế và thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhất hết người dân có nhu cầu thật thì khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp.
Hàng triệu công nhân, người thu nhập thấp trên cả nước vẫn đang sống trong điều kiện thuê nhà trọ kém chất lượng, không ổn định, có nơi phải trả mức giá thuê cao, ảnh hưởng đến an sinh, hiệu suất lao động và sự phát triển bền vững của đô thị.
Để giải quyết các vướng mắc này, đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần đột phá, cải cách mạnh mẽ như giao đất không qua đấu thầu, rút gọn thủ tục đầu tư hình thành quỹ nhà ở quốc gia.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu sáng nay 24/5.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đề xuất cần tạo những bộ mẫu, ví dụ hồ sơ mẫu về quá trình cấp phép, hồ sơ mẫu trong điều kiện đăng ký nhà ở xã hội. Đồng thời, cần nghiên cứu cơ sở dữ liệu về những người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội để có thể áp dụng số vào trong việc này.
Đại biểu cho rằng một trong những vướng mắc lớn trong việc xây dựng nhà ở xã hội là vấn đề thủ tục và giá. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội trong thời gian tới cần cho phép nhà đầu tư có thể góp quỹ đất bằng quyền sử dụng đất để nhận lại nhà ở xã hội thành phẩm, tức là một bên thì có đất, còn một bên thì xây.
Đặc biệt, cần xem xét cơ chế một cửa, một đầu mối để tránh việc nhà đầu tư cứ phải đi hết sở này đến sở khác. Ví dụ chúng ta áp dụng ngay cho Sở Xây dựng ở các địa phương là đầu mối, ở đó sẽ làm tất cả các nội dung liên quan đến đầu tư nhà ở xã hội để cho doanh nghiệp chỉ một đầu mối, kể cả liên quan đến các thẩm định phòng cháy, chữa cháy, điều chỉnh quy hoạch, tránh việc phải đi lại.
“Cần quy định, tổng thời gian để thực hiện cấp thủ tục xây nhà ở xã hội tối đa 90 ngày, có những dự án nhà xã hội mất 18 – 24 tháng làm thủ tục rất lâu. Do vậy, đã thí điểm thì chúng ta nên mạnh dạn như vậy”, đại biểu nêu.
Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh nêu thực tế trong 5 năm qua, cả nước có 679 dự án nhà ở xã hội. Trong số này, 108 dự án hoàn thành với tổng số 73.000 căn, tương đương đạt 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu chúng ta đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay được 15.600 căn hoàn thành, còn hơn 19.000 căn đang được khởi công, như vậy, mới đạt 44% mục tiêu.
Nguyên nhân vướng mắc, theo Bộ trưởng Minh, do thế chế, chính sách, quy trình, thủ tục, cần các cơ chế tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tham gia nhà ở xã hội.
Dự thảo Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là quỹ; đối tượng; giá mua, thuê…; điều kiện được hưởng chính sách. Nhóm thứ hai là cho các nhà đầu tư bao gồm các trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện dự án.

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh giải trình làm rõ các ý kiến góp ý.
Ông nêu thực tế, nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày chưa chắc đã xong, khiến nhà đầu tư rất ngán ngẩm. Do đó, dự thảo nghị quyết có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục.
Về giá nhà ở xã hội, trước đề xuất cần quy định giá sàn, Bộ trưởng khẳng định không thể quy định theo giá sàn mà tới đây sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện; khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán.
Giá nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Minh, chỉ được vênh lên 10% so với dự toán. Nếu đưa giá sàn thì khó thực hiện vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau, ông Minh nói.
“Tới đây, còn khoảng 34 tỉnh, thành phố triển khai, mỗi nơi đều có đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau thì phải quy định theo giá dự toán, không thể đưa ra một giá sàn chung”, Bộ trưởng nói.