Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025

Lãnh đạo lớn loạt doanh nghiệp bất động sản ồ ạt xin từ nhiệm

-

Chỉ mới hơn nửa đầu năm 2024, nhiều lãnh đạo "cốt cán" của các doanh nghiệp bất động sản đã bất ngờ nộp đơn xin từ nhiệm với nhiều lý do khác nhau.

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc thay đổi chủ tịch HĐQT công ty. Theo đó, ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch Hội đồng quản trị DXG sẽ thôi giữ chức vụ hiện tại từ ngày 3/7/2024. Sau khi từ nhiệm vị trí đứng đầu hội đồng quản trị, ông Thìn sẽ đảm nhiệm chức vụ mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược công ty.

Người kế nhiệm ông Thìn là ông Lương Ngọc Huy – Phó Tổng giám đốc công ty. Với sự thay đổi này, cơ cấu thành phần Hội đồng quản trị của DXG gồm 5 thành viên hội đồng quản trị. Trong đó, 4 thành viên gồm: ông Lương Trí Thìn, Bùi Ngọc Đức, Hà Đức Hiếu, Nguyễn Phạm Anh Tài.

Riêng ông Huy – Tân Chủ tịch DXG vẫn kiêm chức Phó Tổng giám đốc. Còn ông Thìn vẫn giữ chức vụ thành viên hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ đại hội đồng cổ đông thông qua.

Cũng trong hệ sinh thái của Đất Xanh, ngày 23/7 vừa qua, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã DXS) cũng thông báo đã nhận đơn từ nhiệm của ông Phạm Anh Khôi rời khỏi các vị trí thành viên HĐQT, thành viên Ủy ban Kiểm toán và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Đất Xanh Services (DXS-FERI). Được biết, trong đơn, ông Phạm Anh Khôi nêu lý do từ nhiệm là vì lý do cá nhân.

Trước đó, đầu tháng 7, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 (mã SJE) – ông Phạm Văn Tuyền cũng có đơn từ nhiệm sau 1,5 năm đảm nhận chức vụ. Lý do, ông Tuyền nhận thấy trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc được giao và định hướng phát triển công ty. HĐQT Sông Đà 11 đã có quyết định miễn nhiệm vị trí của ông Tuyền từ ngày 1/7. Người được bổ nhiệm thay thế là ông Nguyễn Ngọc Khuê, thời hạn 5 năm (2024 – 2029).

Vào tháng 6, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã AGG), Hội đồng quản trị đã thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng giám đốc của ông Nguyễn Thanh Sơn kể từ 3/6, chỉ sau 5 tháng nhậm chức.

Hay hồi tháng 5, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã HPX) thông báo thay đổi vị trí Tổng giám đốc khi miễn nhiệm ông Đoàn Hoà Thuận và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Phương. Ông Thuận có đơn xin từ nhiệm với lý do có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành Công ty, vì vậy không thể tiếp tục thực hiện và tham gia vào các công việc Tổng giám đốc.

Được biết, ông Thuận gia nhập với Hải Phát từ năm 2017 với chức vụ Phó tổng giám đốc, đến tháng 7/2018 được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2018 – 2023 và ngày 24/7/2023, ông Thuận tiếp tục được tái bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc.

Trước đó, vào tháng 4/2024, ông Đàm Mạnh Cường vừa xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã TDH) sau gần 2,5 năm giữ chức vì tự thấy không đáp ứng tiêu chí của Hội đồng quản trị mới.

Ông Cường đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc từ 30/11/2021. Bắt đầu từ tháng 8/2023, Nhà Thủ Đức đã có sự thay đổi về cổ đông lớn và các thành viên Hội đồng quản trị mới. Qua một khoảng thời gian hợp tác cùng, ông Đàm Mạnh Cường nhận thấy bản thân không đáp ứng được những tiêu chí mà Hội đồng quản trị mới yêu cầu cho những định hướng, hoạt động mới của Nhà Thủ Đức.

Cũng trong tháng 4, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, mã SCR) cũng có biến động về nhân sự. Cụ thể, ngày 12/4/2024, bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT TTC Land đã có đơn từ nhiệm với lý do theo nguyện vọng cá nhân. Trước đây, bà Ngọc từng giữ vị trí Phó Chủ tịch của TTC Land và mới trở lại vị trí Chủ tịch công ty địa ốc này từ năm 2022. Theo đó, ông Nguyễn Thành Chương được bầu đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT.

 Được biết, thị trường bất động sản nửa đầu năm nay dù có khởi sắc nhưng chỉ cục bộ tại một số khu vực như Hà Nội, hầu hết các thị trường còn lại vẫn khó khăn. Cùng với đó, doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn, dự báo tình hình kinh doanh trong 6 tháng cuối năm sẽ còn khó khăn hơn.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết năm nay, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng, mức cao nhất trong 3 năm qua (năm 2022 là 144.500 tỷ đồng và năm 2023 là 271.400 tỷ đồng).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories