Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024 đến 2030, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông phức tạp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Tại nút giao ngã năm Phước Kiến (phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một), sẽ được xây dựng hầm chui theo hướng từ đường Huỳnh Văn Cù đến đường Phạm Ngọc Thạch. Đường dẫn 2 đầu hầm khoảng 229 m, chiều dài của tuyến khoảng 629 m…
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.050 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Công trình có quy mô hầm bê tông cốt thép, tuổi thọ thiết kế 100 năm. Tĩnh không thiết kế hầm 5m, vận tốc thiết kế hầm, đường gom hai bên hầm 40km/h.
Đây là một trong những nút giao phức tạp nhất trên Quốc lộ 13, có một hướng đi qua huyện Củ Chi (TP HCM), với lưu lượng phương tiện giao thông di chuyển dày đặc vào giờ cao điểm, nhất là lưu lượng xe container, xe tải, vì thế nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.
Công trình đã được triển khai thực hiện, UBND TP Thủ Dầu Một đã phê duyệt phương án và dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ đợt 1 với số tiền hơn 130 tỉ đồng.
Dự án cầu vượt khác đang thực hiện tại Bình Dương là công trình hai cầu vượt qua đường Nguyễn Thị Minh Khai và Quốc lộ 13 thuộc dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) tổng mức đầu tư hơn 13.500 tỉ đồng. Đây là dự án thành phần thuộc dự án đường Vành đai 3 – TP HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Tổng diện tích đất thu hồi là hơn 78 ha với 1.511 trường hợp. Đến nay, diện tích đất đã thu hồi khoảng 65 ha. Hiện các đơn vị đang thực hiện việc di dời đường ống cấp nước, cáp viễn thông, lưới điện trung thế, hạ thế.
Cũng thuộc dự án Vành đai 3 – TP HCM, Công trình xây dựng nút giao Bình Chuẩn được khởi công xây dựng ngày 29-6-2023, với chiều dài 1,3 km, bao gồm phần đường cao tốc, cầu, hầm chui… với tổng vốn đầu tư dự kiến 571 tỉ đồng. Hiện các đơn vị thi công đã thực hiện đạt khoảng 20% so với khối lượng hợp đồng.
Cùng với đó là Dự án Nút giao Tân Vạn (thuộc gói thầu XL1- Dự án vành đai 3 – TP HCM đoạn qua Bình Dương), dự án được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 1.800 tỉ đồng.
Đây là nút giao được đánh giá là một trong vị trí phức tạp nhất Việt Nam khi kết nối những tuyến đường huyết mạch, cầu vượt ở vị trí giáp ranh, kết nối Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai.
Trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn (dài trên 50 km) kết nối Bình Dương với TP HCM và Đồng Nai cũng sẽ dự kiến xây dựng các hầm chui ở ngã tư có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc.
Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ thực hiện Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng, dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó dự kiến nguồn vốn vay ODA Nhật Bản hơn 1.300 tỉ đồng, nguồn vốn đối ứng của tỉnh hơn 700 tỉ đồng.
Dự án sẽ xây dựng 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn và triển khai tuyến buýt nhanh (BRT) kết nối giữa thành phố mới Bình Dương và ga Suối Tiên, dài hơn 30km.