“Điểm sáng” hạ tầng
Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu. Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người xấp xỉ đạt (4.647 USD so với mục tiêu 4.700-4.730) do biến động tỷ giá.
Kết quả nổi bật được Chính phủ chỉ rõ là tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8 – 7% , vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%); GDP bình quân đầu người mục tiêu đạt khoảng 4.900 USD.
“Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế được cơ quan thẩm tra đánh giá cao trong thời gian qua là, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hạ tầng điện lực thời gian qua được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét. Đặc biệt, dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thi công trong khi dự án với quy mô tương tự thường mất từ 2-3 năm…
Tăng quản lý, giám sát thị trường vàng, chứng khoán
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra những tồn tại, thách thức. Trong đó, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.
Đặc biệt, theo ông Thanh, tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
“Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi cho người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả”, ông Vũ Hồng Thanh cho hay.
Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường.
“Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng ”, ông Thanh cho hay.
Giải pháp trong năm 2025, theo Ủy ban Kinh tế, cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường vàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
“Nghiên cứu thực hiện các giải pháp để hướng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho việc huy động vốn của doanh nghiệp”, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, thị trường vàng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo Ngân hàng thương mại điều chỉnh giá vàng trong nước.
Bà Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý, chấn chỉnh để thị trường vàng trong nước và quốc tế có mức giá không quá chênh lệch nhau.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang rất “nóng” và có diễn biến rất phức tạp; giá nhà đất và chung cư được đẩy lên rất cao khiến người lao động khó tiếp cận.
“Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng làm sao quản lý tốt về giá, giúp thị trường bất động sản hoạt động ổn định”, bà Nga nói và cho rằng, Luật Nhà ở dù đã được ban hành, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm, cần đẩy nhanh những văn bản hướng dẫn để luật nhanh chóng đi vào đời sống.