TAND TP HCM dự kiến tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) vào ngày 4-10.
Trong các ngày qua, HĐXX thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng các cá nhân và tổ chức liên quan đến tài sản của bị cáo.
Đáng chú ý, dự án Khu đô thị Sing Việt (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) được xác định có mối liên hệ với bị cáo Lan. Tại phiên xét xử ngày 1-10, chủ tọa đã thẩm vấn bị cáo này cùng đại diện chủ đầu tư và các công ty có liên quan dự án.
Đại diện Công ty TNHH Đô thị Sing Việt (Công ty Sing Việt, chủ đầu tư dự án), cho biết Công ty Sing Việt hiện thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Công ty Amaland Pte.Ltd (Amaland), có trụ sở tại Singapore.
Tháng 4-2020, Amaland ký hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty Sing Việt cho Công ty CP Đầu tư Singapore Việt Nam (SVIC).
SVIC đã đặt cọc 16,5 triệu USD, sau đó chuyển thêm 100 triệu USD vào tài khoản phong tỏa và đề nghị Amaland chuyển giao cổ phần theo hợp đồng. Tuy nhiên, Amaland không thực hiện, còn khởi kiện SVIC ra toà trọng tài quốc tế, trong khi đó SVIC khởi kiện Amaland ra TAND TP HCM.
Trong giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan được cho là đã chi 147 triệu USD thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần tại Amaland. Tuy nhiên, có nghi vấn rằng số tiền này có thể liên quan đến nguồn vốn từ Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB).
Do đó, HĐXX đã đề nghị Bộ Công an điều tra nguồn gốc 147 triệu USD này, nếu điều tra cho thấy tiền từ SCB thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi để khắc phục hậu quả vụ án.
Tại toà, đại diện Công ty Sing Việt cho rằng vì họ là “công ty con” nên không rõ vấn đề tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, vào tháng 9-2024, Trung tâm Trọng tài tại Singapore đã ra phán quyết ủng hộ việc hủy hợp đồng của Amaland. Đồng thời, ngày 24-9-2024, TAND TP HCM cũng đã quyết định đình chỉ, hủy bỏ việc giải quyết vụ án dân sự giữa SVIC và Amaland.
Ngoài ra, Công ty Sing Việt đã nhận được thông tin về việc một số cổ đông nước ngoài sở hữu Amaland ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TTD Việt Nam Capital (TTD) để phát triển dự án Khu đô thị Sing Việt. Đại diện Công ty Sing Việt nói rằng từ năm 2012 đến nay, công ty họ không nhận thêm bất kỳ khoản đầu tư nào từ Singapore hoặc các đối tác tại Việt Nam, vì vậy, họ kiến nghị được tiếp tục phát triển dự án Khu đô thị Sing Việt.
Có mặt tại phiên toà, đại diện TTD xác nhận rằng hai bên đã ký kết thoả thuận khung hợp tác đầu tư với nhau. Theo người đại diện, TTD được nhóm công ty ở Singapore của Công ty Vivaland (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ủy quyền cho tham gia điều hành dự án và sẽ nộp 147 triệu USD để khắc phục hậu quả của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trả lời chủ toạ phiên xét xử, đại diện SVIC xác nhận công ty này có ký hợp đồng chuyển nhượng với Amaland. Cụ thể, SVIC đã chuyển 16,5 triệu USD cho Amaland, sau đó chuyển thêm 100 triệu USD. Tuy nhiên, Amaland đã không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Về kết quả giải quyết tranh chấp pháp lý giữa hai bên, đại diện SVIC phủ nhận thông tin mà người đại diện Công ty Sing Việt trình bày tại toà và nói SVIC chưa nhận được thông báo từ cơ quan chức năng.
Đại diện SVIC cũng bày tỏ sẵn sàng nộp số tiền còn lại là 153 triệu USD để khắc phục hậu quả vụ án, nhằm tiếp tục triển khai dự án Khu đô thị Sing Việt.
Chủ tọa hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về việc liệu 100% vốn góp tại Công ty Sing Việt có phải là của bị cáo và người thân của bị cáo hay không. Bị cáo Lan lập tức phủ nhận và khẳng định rằng dự án Khu đô thị Sing Việt không liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo lời khai của bị cáo, Công ty Sing Việt hoàn toàn có vốn đầu tư từ Singapore, trong đó “đại gia dầu khí” Nguyễn Thanh Tùng là 1 trong 2 người đại diện cho công ty này. Bị cáo Lan cũng tiết lộ rằng ông Tùng thực chất là người thân của các cổ đông trong tập đoàn Singapore.
Tiếp tục lời khai, bị cáo Lan cho biết hiện nay nhóm công ty của bà tại Singapore đã ủy quyền cho TTD tham gia điều hành dự án Khu đô thị Sing Việt. Bị cáo cam kết TTD sẽ nộp 147 triệu USD để khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX đồng ý với nội dung này.
Ngoài vai trò đại diện pháp luật của Công ty Sing Việt, Nguyễn Thanh Tùng vốn được biết đến là “đại gia dầu khí”, là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương. Trong giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Tùng được xác định là “mắt xích” quan trọng, góp phần gây thiệt hại cho SCB lên tới 850 tỉ đồng.
HĐXX cấp sơ thẩm (giai đoạn 1 của vụ án) đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Tùng 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, thời hạn tù tính từ ngày 3-11-2023. Đồng thời, bị cáo Tùng cùng Công ty CP Dầu khí Đông Phương bị buộc liên đới bồi thường hơn 443,6 tỉ đồng cho SCB.
Dự án Khu đô thị Sing Việt được cấp Giấy phép đầu tư số 2145 ngày 6-12-1999 với diện tích hơn 331 ha, vốn đầu tư 300 triệu USD, từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại.
Tuy nhiên, sau 25 năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Vướng mắc chính là nhà đầu tư chưa hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng.