Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Một huyện vùng ven Hà Nội liên tiếp dừng các phiên đấu giá đất để rà soát

-

Huyện Đan Phượng (Hà Nội) liên tiếp tạm dừng tổ chức 2 phiên đấu giá để rà soát công tác đấu giá theo quy định hiện hành.

Ngày 23/9, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 – Quốc gia thông báo tạm dừng tổ chức phiên đấu giá 26 thửa đất thuộc khu Đồng Sậy – Trẫm Sau (giai đoạn 2), thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Theo đó, việc tạm dừng này được thực hiện theo yêu cầu của UBND huyện Đan Phượng để rà soát công tác đấu giá theo quy định hiện hành (Luật Đất đai 2024).

Khách hàng đăng ký tham gia đã nộp đặt cọc, mua hồ sơ đấu giá sẽ được nhận lại tiền. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức lại, sau khi có quyết định và đề nghị của UBND huyện Đan Phượng.

Theo kế hoạch ban đầu, buổi đấu giá sẽ diễn ra vào sáng 30/9. Các thửa đất có diện tích dao động từ 55m2 đến 99m2, giá khởi điểm từ 14 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước từ gần 193 triệu đến hơn 278 triệu đồng/lô.

Trước đó, ngày 18/9, đơn vị này cũng có thông báo tạm dừng tổ chức đấu giá 26 thửa đất tại khu Trũng Vỡ, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng vào ngày 5/10.

Đánh giá về tác động kết quả trúng đấu giá đất thời gian qua đến thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, có 3 nguyên nhân chính tác động đến kết quả đấu giá đất thời gian qua.

Thứ nhất là mức giá khởi điểm thấp thu hút nhiều người tham gia. Thứ hai là số tiền đặt cọc thấp. Thứ ba là trong các cuộc đấu giá có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời. Bên ngoài khu vực đấu giá, đông môi giới chờ kết quả, sẵn sàng chào mua, bán đất đấu giá với giá chênh 200-500 triệu đồng/lô.

Theo Bộ này, việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực. Trong quá trình tổ chức đấu giá đất tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, thông đồng… ảnh hưởng đến người tham gia đấu giá.

“Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá nhằm thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức”, Bộ Xây dựng nhận định.

Bộ Xây dựng cho rằng khi giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung cầu) nhà ở, bất động sản.

Thứ nhất, trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó lấy mức giá này để làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá. Điều này sẽ có lợi cho các dự án đã được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất nhưng lại gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.

Thứ hai, các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm còn có ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.

Trong thực tế, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất thường là giá cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá mua, bán, chuyển nhượng khi giao dịch bất động sản.

Thứ ba, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản; các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả. Việc tác động làm tăng giá nhà ở sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở.

Thứ tư, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến sẽ không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Thứ năm, kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội; dễ kích động người dân bị thu hồi đất đã nhận tiền bồi thường hoặc chưa nhận tiền bồi thường khiếu nại đòi mức bồi thường cao hơn phương án bồi thường đã được phê duyệt, gây mất ổn định xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories