Thứ Ba, Tháng 4 1, 2025

Nếu xảy ra động đất lớn, nhà cao tầng ở Việt Nam chống chịu ra sao?

-

Các chuyên gia phân tích về nguy cơ của các nhà cao tầng ở Việt Nam trong kịch bản nếu xảy ra động đất lớn.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Toán, kiến trúc sư Công ty 207 Bộ Quốc phòng, nếu xảy ra kịch bản động đất khoảng 6 độ richter thì các công trình cao tầng ở Việt Nam có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, nếu động đất đến 7 độ richter thì nhiều tòa nhà sẽ đối diện nguy hiểm, nhất là những toà nhà kém chất lượng, tòa nhà cũ hoặc đang xây dựng, chưa được hoàn thiện.

Tuy nhiên, đó là con số được tính toán trên lý thuyết chứ chưa phải thực tế. Vì Việt Nam nằm cách xa vùng địa chất bị đứt gãy bởi dãy động đất nên thực tế không thường xuyên xảy ra những trận động đất lớn, nhất là ở các khu đô thị đông đúc nhà cao tầng như Hà Nội, TP.HCM… “.

Ngoài ra, theo ông Toán, nguy cơ chống chọi của các tòa nhà nếu động đất xảy ra còn phụ thuộc vào từng khu vực địa chất hoặc chất lượng công trình như: quá trình thi công có đảm bảo đúng chất lượng, đúng, đủ vật liệu như thiết kế hay không.

Nếu xảy ra động đất lớn, nhà cao tầng ở Việt Nam chống chịu ra sao?- Ảnh 1.

Nếu xảy ra động đất lớn, nhà cao tầng ở Việt Nam chống chịu ra sao? (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Để tăng độ chống chịu của các cao ốc, ông Toán cho rằng ngay từ đầu Bộ Xây dựng phải yêu cầu cao hơn về chất lượng, giống như ở Nhật Bản là yêu cầu độ chống chịu động đất phải từ 7- 7,5 độ richter.

Ở Nhật Bản có những chuyên đề nghiên cứu khoa học về độ chống chịu động đất của các nhà cao tầng. Và ngay dưới tầng hầm các tòa nhà cao tầng được thiết kế những cái gối có thể di chuyển theo sự rung lắc của động đất. Khi động đất xảy ra, mỗi cái gối này sẽ là những bộ phận giảm chấn, tránh va chạm, từ đó giảm thiệt hại, hạn chế sập đổ nhà ”, ông Toán dẫn giải.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trần Ngọc Lân, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, mỗi nước sẽ có quy định khác nhau về kháng chấn vì nguy cơ động đất sẽ khác nhau. Ở Việt Nam, ngoài quy định chung thì tùy từng khu vực địa chất, cấp độ công trình và thể loại công trình cũng sẽ có quy định khác nhau.

Nói về sự ảnh hưởng của trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Myanmar hôm 28/3 tới Việt Nam, kiến trúc sư Đặng Hữu Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Việt House, nhận xét, tuy không tác động quá mạnh đến Việt Nam nhưng sóng địa chấn truyền qua mặt đất đã tác động đến các nhà cao tầng. Tại Hà Nội, TP.HCM – nơi tập trung nhiều cao ốc – người dân đã cảm nhận được sự rung lắc rõ rệt trong khoảng vài phút.

“Về cơ bản, các nhà cao tầng ở Việt Nam cũng đều được thiết kế để chịu ảnh hưởng bởi tác động từ ngoại lực như gió lớn, động đất. Nhưng khi thiên tai xảy ra ở mức độ mạnh, những tòa nhà có nhiều vật liệu nhẹ như nhiều kính hoặc thiếu hệ thống giảm chấn thì thường dễ bị rạn nứt, bong tróc.

Tuy nhiên, người dân cũng không cần quá lo lắng vì về mức độ động đất, Hà Nội hay TP.HCM không thuộc diện nơi thường xuyên có những trận lớn diễn ra thường xuyên. Thực tế, nơi hay xảy ra động đất nhẹ ở Việt Nam là vùng Tây Nguyên, nơi có ít nhà cao tầng.

Hơn nữa, để đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng và người dân, Nhà nước đã có Luật Xây dựng. Và theo điều 91, Luật Xây dựng năm 2014 quy định các công trình xây dựng phải được thiết kế, thi công đảm bảo khả năng chịu lực và tính bền vững trong động đất. Tức là chúng ta đã có quy chuẩn về kỹ thuật đối với nhà cao tầng”, ông Hải nói.

Tuy vậy, ông Hải vẫn khuyến cáo các cơ quan chức năng và chính quyền cần tăng mức độ rà soát, nhất là những công trình quan trọng, công trình cao tầng cần được thẩm duyệt kỹ hơn. Cùng với đó, trong quá trình thi công cần được kiểm tra thường xuyên và công tác nghiệm thu phải thực chất hơn để sau khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người sử dụng.

Ngoài ra, phải tăng cường diễn tập, ứng phó với thiên tai để nâng cao khả năng của người dân trong việc ứng phó với các kịch bản động đất từ thấp đến cao.

Với những toà nhà cao tầng đã hoàn thiện ở Hà Nội hay TP.HCM hiện nay không thể có giải pháp can thiệp về yếu tố kết cấu và không có phương án sửa chữa, khắc phục nào khác bằng việc lắp đặt hệ thống cảnh báo, theo dõi rung lắc, đánh giá độ rung lắc để chủ động ứng phó “, ông Hải nêu ý kiến.

Theo hầu hết các chuyên gia xây dựng, trong bối cảnh có nhiều tòa nhà cao tầng thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phải có bản đồ đánh giá động đất chi tiết để từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất, phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng ở các quận nội thành để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.

“Ở Việt Nam thường thấy động đất xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên hoặc Tây Nguyên như Kon Tum… nhưng hầu hết cũng chỉ là những trận động đất có độ richter nhỏ. Còn Hà Nội, TP.HCM về cơ bản nằm trong vùng đồng bằng nên địa chất khá ổn định.

Tuy nhiên, thiên tai là điều không thể dự báo trước nên tuyệt đối không thể chủ quan được. Cần sớm áp dụng những biện pháp theo dõi, giám sát cẩn thận, kỹ lưỡng để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại nếu động đất lớn xảy ra”, ông Hải nói.

Theo Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 02:2022/BXD) cũng quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình chống động đất. Các tiêu chuẩn này bao gồm việc đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất và thiết kế cấu trúc phù hợp để chống chịu được các tác động của động đất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories