Theo Bộ Xây dựng, tính đến năm 2023, nhu cầu nhà ở xã hội trên cả nước là khoảng 1 triệu căn hộ. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhu cầu ước tính lên đến hơn 200.000 căn hộ mỗi thành phố.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức vào ngày 5/8, Bộ Xây dựng thông báo Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất vay từ 3-5% cho khách hàng mua nhà ở xã hội. Chính sách này kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm với lãi suất ưu đãi, nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp và công nhân trong các khu công nghiệp.
Đây được xem là cơ hội mới cho những người đang có nhu cầu sở hữu nhà ở khi mà nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành trong thời gian qua song việc tiếp cận vốn vay vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.
Vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Chị Trần Thị Châu, công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh, là một trong những người rất hào hứng với thông tin được ưu đãi lãi suất. Chị Châu chia sẻ: “Khi nghe tin về việc giảm lãi suất vay mua nhà, tôi rất phấn khởi và hy vọng có thể mua được một căn nhà để ổn định cuộc sống.” Tuy nhiên, quá trình thực hiện không dễ dàng như chị nghĩ.
Một trong những lý do chính khiến hồ sơ vay vốn của chị Châu bị từ chối là không đáp ứng được các điều kiện về thu nhập và cư trú. Các ngân hàng yêu cầu người vay phải có thu nhập ổn định và có khả năng trả nợ, điều này đòi hỏi người vay phải chứng minh được mức thu nhập thông qua các giấy tờ như hợp đồng lao động dài hạn, giấy xác nhận thu nhập từ cơ quan làm việc. “Sau dịch COVID-19, tôi chỉ xin được việc làm thời vụ, thời gian còn lại tôi mở được quán nước buôn bán, dù có thu nhập ổn định, nhưng vẫn không chứng minh được với ngân hàng xét duyệt hồ sơ” – chị Châu, chia sẻ.
Cũng như chị Châu, nhiều người lao động tự do, công nhân không có hợp đồng lao động dài hạn hoặc không có bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trong việc cung cấp các giấy tờ này. Điều kiện cư trú cũng là một rào cản lớn. Người vay phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương nơi mua nhà. Tuy nhiên, nhiều người di cư từ nông thôn lên thành phố làm việc thường không có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú lâu dài, dẫn đến việc hồ sơ vay vốn bị từ chối.
Dù chính sách vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội đã được triển khai rộng rãi, người thu nhập thấp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Những rào cản từ điều kiện, thủ tục đến quy định pháp lý đang làm giảm hiệu quả của các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các ngân hàng đã phê duyệt và giải ngân tổng cộng 1.344 tỷ đồng từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. Trong số này, 1.295 tỷ đồng được cấp cho các chủ đầu tư của 12 dự án. Số vốn giải ngân cho người mua nhà chỉ vỏn vẹn 49 tỷ đồng tại 5 dự án. Tỷ lệ giải ngân khá ít ỏi, chỉ 1% quy mô gói tín dụng.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến năm 2023, nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước khoảng 1 triệu căn hộ. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhu cầu ước tính lên đến hơn 200.000 căn hộ mỗi thành phố. Nhiều người dân thiếu thông tin về các chương trình hỗ trợ, điều kiện vay vốn và các quy trình cần thiết để tiếp cận vốn vay ưu đãi. Họ không được trang bị đầy đủ kiến thức về cách quản lý tài chính và khả năng trả nợ, dẫn đến sự e ngại khi vay vốn.
Đâu là giải pháp?
Để người thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, theo các chuyên gia, ngân hàng nên cắt giảm các giấy tờ không cần thiết, chỉ yêu cầu các tài liệu cơ bản và quan trọng. Nới lỏng các yêu cầu về thu nhập và tài sản thế chấp để phù hợp hơn với khả năng của người thu nhập thấp. Sử dụng các phương pháp đánh giá tín dụng linh hoạt hơn, chẳng hạn như xem xét lịch sử thanh toán hóa đơn điện, nước thay vì chỉ dựa vào thu nhập.
Thực tế cho thấy, chỉ cần các ngân hàng thay đổi cách làm, sẽ giúp người vay dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi hơn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, ngân hàng nên cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính miễn phí để giúp người dân hiểu rõ về quy trình vay vốn, quản lý tài chính cá nhân và khả năng trả nợ. Thành lập các bộ phận chuyên trách hỗ trợ người dân trong việc chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm nhà ở xã hội, Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về lâu dài, để giúp người dân có thu nhập thấp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, cần thay đổi những quy định về điều kiện vay. “Cần điều chỉnh các tiêu chí về thu nhập, tài sản thế chấp và các yêu cầu khác để phù hợp với thực tế của người dân thu nhập thấp. Bao gồm cả những người lao động tự do, tiểu thương và các đối tượng có thu nhập không ổn định nhưng có khả năng trả nợ” – ông Nghĩa kiến nghị.
Bên cạnh đó, cần cải tiến quy trình xét duyệt hồ sơ vay vốn ưu đãi để giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người dân. Áp dụng công nghệ số và các hệ thống quản lý trực tuyến để xử lý và quản lý hồ sơ nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả hơn. Thành lập và duy trì các quỹ hỗ trợ vay vốn từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài trợ khác để đảm bảo đủ nguồn vốn cho các chương trình vay ưu đãi. Xác định lãi suất ưu đãi hợp lý và duy trì ổn định để người dân dễ dàng tiếp cận và trả nợ.
Chỉ khi các giải pháp này được thực hiện đồng bộ, những người có thu nhập thấp như chị Châu mới có thể nối tiếp giấc mơ sở hữu mái ấm của mình trong tương lai.