Thời gian qua, thị trường nhà phố và liền kề tại các khu vực vệ tinh của TP.HCM có nhiều tín hiệu tích cực về nhu cầu mua. Trong bối cảnh giá nhà phố và biệt thự tại Hà Nội, TP.HCM đã tăng cao, người mua có xu hướng tìm đến các sản phẩm tại thị trường tỉnh – nơi vẫn còn mức giá hợp lý, thuận tiện kết nối và tiềm năng gia tăng giá trị trong tương lai.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc Phòng Nghiên Cứu & S22M Savills Tp.HCM khẳng định, xu hướng này diễn ra ngày càng rõ rệt. Nhiều khách hàng quen thuộc tại Tp.HCM liên tục chuyển hướng mua sản phẩm tại các dự án đô thị vệ tinh. “Nguồn cung mới khan hiếm cùng với hàng tồn kho có giá cao đang gây mất cân đối cung – cầu tại thị trường Tp.HCM. Điều này dẫn đến làn sóng dịch chuyển nhu cầu từ khu vực trung tâm sang các tỉnh lân cận – nơi có nguồn cung dồi dào và giá phải chăng hơn,” bà nhận định.
Dữ liệu quý 1/2025 của Savills chỉ ra, tại Tp.HCM không có dự án mới nhà phố, liền kề mở bán trong quý. Thị trường ghi nhận 89 căn từ giai đoạn tiếp theo của ba dự án hiện hữu, đóng góp 13% vào nguồn cung sơ cấp. Nếu quý 1/2021, sản phẩm có giá dưới 10 tỉ đồng/căn chiếm 60% thị phần thì đến quý 1/2025, tỷ lệ này đã giảm mạnh chỉ còn 11%. Ngược lại, những sản phẩm nhà phố, liền kề có giá hơn 30 tỉ đồng/căn chiếm hơn 70% nguồn cung sơ cấp.

Nguồn cung mới khan hiếm cùng với hàng tồn kho có giá cao đang gây mất cân đối cung – cầu tại thị trường nhà phố, liền kề Tp.HCM, tạo cơ hội cho người mua dịch chuyển sang khu lân cận.
Cùng với nguồn cung giá cao chiếm lĩnh thị trường, tình hình hoạt động của nhà phố, liền kề Tp.HCM khá chậm khi ghi nhận 69 giao dịch với tỷ lệ hấp thụ chỉ 10%. Tỉ lệ này không đổi theo quý và giảm 5 điểm phần trăm theo năm. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 28%. Hầu hết đều là các giao dịch nhà liền kề, chiếm đến 59%, trong khi nhà phố thương mại và biệt thự lần lượt chỉ chiếm 29% và 12%.
Sếp Savills cho rằng, giá bất động sản cao và nguồn cung hạn chế đã thúc đẩy nhu cầu mở rộng ra khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận TP.HCM. Trong đó, hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của người mua. Các dự án trọng điểm như đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… đang góp phần thúc đẩy cung cầu nhà ở. Những dự án này trở thành động lực mở rộng nguồn cung tại các khu vực giáp ranh Tp.HCM thông qua việc hình thành các khu dân cư mới và nâng cao chất lượng phát triển đô thị.
Theo ghi nhận, tại khu Tây Tp.HCM một số khu đô thị quy mô lớn, nằm gần các tuyến hạ tầng trọng điểm đã và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua nhà Tp.HCM. Đơn cử, khu đô thị Waterpoint 355ha là đại đô thị bên sông đầu tiên tại phía Tây TP.HCM, được Nam Long bắt tay triển khai từ những năm 2000. Dự án đã hiện hữu với loạt tiện ích – hạ tầng đồng bộ, môi trường cảnh quan sinh thái trong lành, sẵn sàng cung ứng sản phẩm chất lượng ra thị trường.
Với vị trí kết nối trực tiếp cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, ngay nút giao với Vành đai 4, liền kề điểm giao cao tốc Bến Lức – Long Thành và Vành đai 3, Waterpoint được hưởng trực tiếp từ lộ trình phát triển hạ tầng của khu vực. Khi các công trình hạ tầng có lộ trình hoàn thiện giai đoạn 2025-2026 có thể đẩy các dự án xung quanh tăng giá 10-15%/năm.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh các sản phẩm biệt thự, dinh thự The Aqua, Park Village, thời gian tới, chủ đầu tư này cũng sẽ ra mắt các phân khu thấp tầng và cao tầng mới. Đồng thời, tăng cường hợp tác cùng các đối tác hàng đầu về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bán lẻ và F&B… để củng cố hệ sinh thái đô thị, đưa Waterpoint trở thành một đô thị tích hợp “all-in-one”, điểm đến nổi bật phía Tây Tp.HCM.
Cùng nhận định về thị trường vệ tinh, đại diện DKRA Consulting cho hay, phân khúc nhà phố, biệt thự phía Nam trong quý 1/2025 ghi nhận lượng tiêu thụ sơ cấp phục hồi tích cực ở các tỉnh lân cận, gấp 4 lần so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, lượng tiêu thụ gần như tập trung ở hai địa phương là Bình Dương và Long An với tỷ trọng đạt lần lượt là 41% và 40%.
Nguồn cung mới nhà phố, liền kề Tp.HCM và vùng phụ cận tiếp tục duy trì tình trạng khan hiếm, chỉ chiếm khoảng 4% trên tỷ trọng nguồn cung sơ cấp. Trong đó, Long An chiếm khoảng 66% tỷ trọng cung mới của thị trường.
Theo đơn vị này, mặt bằng giá sơ cấp đạt mức tăng trung bình 6% so với quý trước, mức giá tiếp tục neo cao do áp lực của các loại chi phí đầu vào. Các chính sách chiết khấu, ưu đãi bán hàng,… được các chủ đầu tư duy trì áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Trong khi, giá thứ cấp ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 8 – 12% so với cuối năm 2024 nhờ vào hiệu ứng chính sách và sự tham gia tích cực của các chủ đầu tư lớn ở các khu đô thị vệ tinh Tp.HCM.

Giao dịch nhà phố, liền kề tỉnh lân cận Tp.HCM phục hồi đáng kể trong quý 1/2025.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng chia sẻ, các dự án nhà phố, liền kề mở bán mới tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai có khả năng hấp thụ khá tốt. Quỹ đất khu vực trung tâm Tp.HCM ngày càng khan hiếm, nhu cầu bất động sản tại Tp.HCM sẽ dịch chuyển đáng kể sang các tỉnh thành vùng lân cận. Từ đó, kéo theo mức độ tăng giá trong tương lai.
Theo ông Đính, khu vực Tp.HCM và vùng phụ cận luôn trong top thu hút FDI cùng với sức bật hạ tầng liên kết đã hỗ trợ nhu cầu dịch chuyển của người mua qua các khu đô thị vệ tinh, với nhiều lựa chọn giá cả phù hợp hơn. Các hạ tầng liên kết vùng đã giảm tải áp lực cho Tp.HCM và mở rộng không gian phát triển cho thị trường bất động sản lân cận.
Ngoài ra, nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu gia tăng đã thúc đẩy khả năng tiếp cận và hấp thụ nhà ở trong các dự án khu đô thị, bao gồm cả hoạt động ở và đầu tư lâu dài.