Thứ Sáu, Tháng 5 16, 2025

Nhà đầu tư mất tiền tỷ vì ‘lướt sóng’ đất vùng ven

-

Chi cả tỷ đồng “ôm” đất đấu giá huyện ven với hy vọng bán chênh, nhiều nhà đầu tư phải cắt lỗ để thoát hàng trước hạn nộp tiền, thậm chí mất cọc khi sóng đi qua.

Nhiều tuần qua, anh Tiến (quê Hải Dương) liên tục rao bán 5 lô đất trúng đấu giá tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội trước áp lực đến hạn nộp tiền. Tại phiên đấu giá cuối tháng 3, nhóm của anh đã trúng 5 thửa với khoản tiền đặt trước gần 1,2 tỷ đồng (khởi điểm 10,6 triệu đồng một m2).

Nhà đầu tư này nhanh chóng ký gửi 5 thửa cho sàn giao dịch địa phương, với mức chênh 400-600 triệu đồng một lô. “Chỉ cần sang tay thành công 1-2 lô có thể bù tiền cọc của các lô khác”, anh Tiến cho hay.

Với mức trúng lên đến 7,5-9 tỷ đồng một lô (khoảng 70-90 triệu đồng mỗi m2), gấp đôi so với mặt bằng xung quanh, việc sang tay suất trúng đấu giá không dễ dàng. Sau một tháng, anh Tiến chưa nộp tiền lô nào nhưng hy vọng “cứu cọc” nên tiếp tục rao bán. Từ dự tính bán chênh hàng trăm triệu, anh cho hay chấp nhận “cắt lỗ” 100-200 triệu đồng, kỳ vọng thu hồi một nửa vốn.

Theo quy định, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất trong 30 ngày (đợt 1) kể từ thông báo của cơ quan thuế, còn lại nộp trong thời hạn 90 ngày. Sau thời hạn này không kịp chuyển nhượng, anh Tiến cho biết họ “tính bỏ cọc vì không có tiền nộp đủ 5 lô đất trúng đấu giá trên”, đồng nghĩa mất 1,2 tỷ đồng ban đầu.

  • Một khu đất đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km. Ảnh: Giang Huy

Tương tự, chị Thúy – một nhà đầu tư quê Phú Thọ – cũng rơi vào tình cảnh mất hàng trăm triệu đồng vì “lướt sóng” đất đấu giá huyện ven. Tháng 11 năm ngoái, chị cùng nhóm bạn đầu tư đã trúng 4 lô đất tại huyện Thanh Oai với giá gần 90 triệu đồng mỗi m2, tương ứng 10-11 tỷ đồng một lô.

Tại Quốc Oai, trong phiên đấu cùng tháng, họ trúng thêm 3 lô, giá khoảng 8 tỷ đồng một lô. Tổng tiền đặt cọc cho 7 lô đất trên gần 1 tỷ đồng (khởi điểm dao động 4,7-5,3 triệu đồng một m2).

Bốn tháng kể từ phiên đấu giá, dù liên tục rao bán, chị Thúy vẫn chưa chuyển nhượng được lô nào. Một môi giới địa phương cho hay nguồn cung đấu giá rất lớn, nhiều lô giá trúng thấp hơn nên dù nhà đầu tư “cắt cọc” (giảm giá khoản cọc) cũng khó bán. Hết thời hạn nộp tiền, chị Thúy và nhóm bạn quyết định bỏ số tiền đặt trước gần 1 tỷ đồng. “Giờ chấp nhận mất cọc thôi vì không có tiền đóng vào bấy nhiêu lô trên”, chị nói.

Tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất, chấp nhận mất hàng trăm triệu đến tỷ đồng diễn ra phổ biến thời gian qua. Vào tháng 3, hơn 80% thửa đất trúng đấu giá tại quận Hà Đông hồi tháng 10/2024 bị nhà đầu tư bỏ cọc, tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Tương tự ở phiên tháng 8/2024 tại Thanh Oai, chỉ có 13 trên 68 lô đất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ tài chính với giá trúng 51,6 – 55 triệu đồng một m2. Toàn bộ các lô trúng giá 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng đều bị bỏ cọc, tổng hơn 8 tỷ đồng.

Giám đốc một sàn giao dịch chuyên đất đấu giá ở huyện Thanh Oai cho biết từ cuối năm ngoái đến nay, số lượng đất nền ký gửi tại sàn tăng 40-50% so với cùng kỳ. Ngoài “sóng” đấu giá đất cuối năm ngoái, gần đây thông tin một dự án lớn có thể triển khai ở khu vực này cũng đẩy tâm lý thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư tranh thủ đẩy hàng.

Tuy nhiên ông thừa nhận những lô có giá trúng cao (80-100 triệu đồng một m2) rất khó thanh khoản. “Nhiều nhóm nhà đầu tư nâng giá cao để tạo sóng cho thị trường, mục tiêu ‘lướt’ khoản cọc chứ họ không có ý định vào tiền”, ông cho biết.

  • Một khu đất đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km. Ảnh: Giang Huy
  • Một điểm giao dịch chuyên nhận ký gửi, bán chênh ở khu đất đấu huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Diễm

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property, cho biết tình trạng “lướt cọc” đất đấu giá không mới, thậm chí lan rộng ở nhiều tỉnh khác như Hưng Yên, Thái Bình… Lý do theo ông, lợi nhuận từ việc sang tay suất trúng cao gấp nhiều lần so với tiền vốn (khoản cọc ban đầu) mà họ bỏ ra. Nếu trúng nhiều lô, cơ hội “lướt sóng” với lợi nhuận kỳ vọng càng lớn hơn.

Theo ông, trước khi tham gia đấu giá, nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp đã có tâm lý “sẵn sàng mất khoản cọc nhỏ để thu lời lớn”. Cùng với đó, việc góp vốn với nhiều người khác trong nhóm cũng giảm bớt khoản lỗ cho họ.

Cùng quan điểm, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt – đơn vị tổ chức nhiều phiên đấu giá đất vừa qua – cho biết có đến 60-70% người tham gia phiên đấu mới đây là hội nhóm chuyên nghiệp, “làm nghề đấu giá đất”. Nhóm này phản ứng nhanh với các thông tin thị trường, “biết cách trả giá để trúng”, rồi tính bán chênh mức nào cũng thu được lợi nhuận.

Lý giải tình trạng rao bán “cắt lỗ” suất trúng đấu giá đất, theo chuyên gia, do nhà đầu tư áp lực đến hạn nộp tiền cùng tâm lý thị trường sụt giảm khi liên tiếp các phiên đấu giá hạ nhiệt so với mức đỉnh.

Gần nhất, 34 thửa đất tại huyện Thạch Thất được đấu với giá trúng cao nhất hơn 56 triệu đồng mỗi m2, giảm 3,3 lần so với mức đỉnh ghi nhận tại phiên tháng 1/2024. Hay 89 thửa đất tại huyện Thanh Oai cũng được đấu giá với mức trúng giảm hơn 12% so với cuối năm ngoái.

Trong báo cáo mới đây, nền tảng dịch vụ bất động sản OneHousing cho biết lượng giao dịch đất thổ cư tại Hà Nội trong quý I giảm 59% theo quý và sụt 54% theo năm.

Tình trạng “lướt sóng” đất đấu giá rồi bỏ cọc tạo nhiều hệ lụy khiến thị trường bất ổn. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), cho biết chỉ cần bỏ 120-200 triệu đồng đặt cọc một thửa đất, nhóm nhà đầu tư có thể tạo mặt bằng giá ảo. Môi giới sẽ lấy giá trúng làm “điểm neo” cho nhiều phân khúc nhà ở khu vực lân cận. Trong bối cảnh thị trường bất động sản “hỗn loạn về giá”, nhà đầu tư có thể trục lợi bằng việc sang tay lướt cọc hoặc đẩy hàng tồn có thanh khoản kém.

Theo ông Long, tình trạng bỏ cọc hàng loạt ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia đấu giá chân chính. Việc này cũng gây lãng phí nguồn lực khi địa phương phải tổ chức đấu giá lại, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội

Tại cuộc họp ngày 15/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra nhiều dấu hiệu bất ổn trên thị trường bất động sản. Trong đó, thực trạng đáng lo ngại là tốc độ tăng giá bất động sản tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng giảm.

Ông yêu cầu Bộ Xây dựng thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về cung – cầu nhà ở, “không để tình trạng thiếu minh bạch, thông tin khiến nhà đầu tư đầu cơ, thổi giá, gây rối loạn thị trường”.

Hiện luật pháp chưa có chế tài cụ thể với cá nhân trúng đấu giá, nhưng bỏ cọc. Theo Nghị định 102 hướng dẫn Luật Đất đai 2024, nếu không nộp đủ tiền trong 120 ngày, họ sẽ bị hủy kết quả và chỉ mất tiền cọc. Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu phương án tính thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản, tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, giải pháp này sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, đẩy giá nhà đất nhằm “lướt sóng” kiếm chênh.

Ngọc Diễm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories