Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, năm 2024, cả nước có 108 dự án, tương ứng 47.532 căn nhà ở xã hội hoàn thành. Còn năm nay, dựa trên số liệu các địa phương đăng ký, dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn.
Cụ thể, TP HCM có 21 doanh nghiệp đăng ký xây dựng 52.000 căn nhà ở xã hội tại quỹ đất tự tạo lập, cùng 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu đạt 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 và rút ngắn thủ tục hành chính, tạo lập quỹ đất cho phát triển phân khúc nhà ở này.
Hà Nội dự kiến có 11 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000 m2 sàn. 5 năm tới, thành phố đặt mục tiêu có thêm 50 dự án mới đăng ký, quy mô 57.200 căn.
Tương tự, nhiều địa phương cũng công bố kế hoạch phát triển phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, như Đồng Nai sẽ khởi công, xây mới 8.800 căn trong năm nay.
Bình Dương cũng làm tiếp 26.552 căn nhà ở xã hội và có chính sách hỗ trợ thuế phí cho doanh nghiệp phát triển loại hình này. Đồng Tháp đặt chỉ tiêu hoàn thành hơn 7.000 căn vào 2030. Trong khi đó, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cà Mau, Bến Tre… cũng lên kế hoạch phát triển hàng nghìn căn nhà ở xã hội 5 năm tới.
Không dừng lại ở kế hoạch, nhiều dự án được khởi công ngay những ngày đầu năm. Chẳng hạn, Hà Nội khởi công 2 dự án, tổng quy mô hơn 1.500 căn tại huyện Đông Anh. TP Huế cũng chuẩn bị xây dự án nhà ở xã hội thuộc đô thị mới An Vân Dương, quy mô khoảng 1.000 căn hộ trong quý I/2025…
2025 được dự báo là năm “bùng nổ” của nhà ở xã hội sau hàng loạt chính sách thúc đẩy từ phía Chính phủ. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, nhìn nhận nhà ở xã hội sẽ “sáng hơn trong 2025”. Nhiều chính sách ưu đãi được nhà chức trách đưa ra để phát triển loại nhà này.
Chẳng hạn, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội được miễn tiền thuê, sử dụng đất, không phải thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng hay thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất. Họ cũng được ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội. Ngoài chính sách ưu đãi, các địa phương cũng hoàn thiện, rút ngắn thủ tục hành chính, hỗ trợ quỹ đất cho chủ đầu tư làm loại nhà ở này.
Ở khía cạnh này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng phân khúc nhà ở xã hội đang được trợ lực nhờ hành lang pháp lý vững chắc. Nhiều rào cản về phát triển nhà ở xã hội được gỡ bỏ từng bước, thúc đẩy doanh nghiệp có niềm tin tham gia nhiều hơn vào phân khúc này.
Hiện lãi suất cho vay mua, thuê mua phân khúc này là 6,6% một năm, cao hơn so với 4,8% trước đây. Nhưng theo giới phân tích, đây là mức lãi hợp lý trong bối cảnh lạm phát và giá nhà thương mại tăng cao.
Bên cạnh đó, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng của 9 ngân hàng đăng ký cho vay sẽ không được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Giới phân tích cho rằng quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ dự án nhà ở xã hội, mà không bị ràng buộc bởi giới hạn “room” tín dụng.
Thực tế, nhà ở xã hội là chủ trương đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, Chính phủ cũng đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển phân khúc địa ốc này.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý nhà ở xã hội được ưu đãi về vốn vay, đất đai… nên có giá phù hợp hơn với người thu nhập thấp, công nhân. Việc làm các thủ tục nhanh, thi công nhanh cũng giúp giảm chi phí và giá thành. Tuy nhiên, các hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, điều kiện vệ sinh, môi trường… phải bảo đảm đầy đủ, thuận tiện cho người dân như với các dự án nhà ở thương mại.
Phương Uyên