Thứ Hai, Tháng 4 7, 2025

Nhu cầu thuê tăng khi người trẻ không mua nổi nhà

-

Thay vì oằn mình gánh nợ mua nhà, nhiều người trẻ chọn cách đi thuê, trong bối cảnh giá nhà cao vượt xa tầm thu nhập.

Hoàng Quân (32 tuổi) đang làm việc tại một ngân hàng thương mại ở TP HCM, cho biết có thu nhập 24,5 triệu đồng mỗi tháng, không thấp so với mặt bằng lương chung nhưng chẳng thấm là bao với mức phí sinh hoạt đắt đỏ của TP HCM. Dù tiết kiệm từ khi ra trường, đến nay, Quân vẫn chọn ở trọ với lý do mua nhà không nổi.

“Một căn hộ bình dân ở thành phố có giá đến 3 tỷ đồng, muốn mua phải vay ít nhất 2 tỷ đồng và 15-25 năm tới, mỗi tháng phải dành hơn 60% thu nhập trả nợ. Phấn đấu trong nợ nần thì thà ở trọ cả đời dành dụm tiền về già dưỡng lão”, anh cho hay.

Quân không phải cá biệt, rất nhiều bạn trẻ dù đã nỗ lực từng ngày mong sớm có mái ấm ở TP HCM, nhưng đã từ bỏ, chọn cách thuê nhà ở các đô thị lớn.

Thùy Chi (35 tuổi) công tác tại một tổ chức tín dụng ở TP HCM, cho biết từ khi ra trường đã bắt đầu tích lũy cho kế hoạch mua nhà tuổi 30. Dù tuổi tác đã cách xa mục tiêu 5 năm, Chi vẫn đang ở trọ. Với mức thu nhập 22 triệu đồng mỗi tháng, Chi thuê căn phòng giá 4 triệu đồng (chưa tính điện, nước…), trung bình mỗi tháng, cô tiêu tốn ít nhất 13 triệu đồng cho phí sinh hoạt, mua sắm và tiết kiệm nhiều nhất 5 triệu đồng.

Hiện cô chỉ tiết kiệm được 700 triệu đồng, mua căn nhà vài tỷ đồng ở thành phố là điều quá xa vời. Do đó, cô chấp nhận thuê nhà ở trọ để bớt phải lo nghĩ, dành tiền vào việc khác.

Tương tự, Kim Anh (28 tuổi) nhân viên cho một công ty truyền thông ở quận 1, chia sẻ thu nhập loanh quanh ở mức 16-18 triệu mỗi tháng, làm cả đời cũng không mua được nhà ở TP HCM. Hơn nữa cô cũng không thấy quá nhiều lợi ích khi mua nhà ở thành phố nên “thà cứ ở trọ, dùng tiền trả lãi mua nhà đi học thêm kiến thức, kỹ năng mới để phát triển công việc”.

  • Bất động sản khu Đông TP HCM, ở TP Thủ Đức với các dự án chung cư. Ảnh: Quỳnh Trần

Nghiên cứu mới đây từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy, hơn 60% người trẻ dưới 35 tuổi tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng) ưu tiên thuê nhà, coi đây là giải pháp tối ưu để giảm gánh nặng tài chính và tận hưởng sự tự do trong bối cảnh giá bất động sản leo thang.

Tương tự, kết quả khảo sát từ chuyên trang Batdongsan cũng cho thấy, xu hướng tìm thuê nhà gia tăng gần 22% trong năm 2024. Nhóm khách hàng trong độ tuổi 25-34 tìm thuê cao nhất (gần 62%), ngay cả nhóm thu nhập cao từ 21-40 triệu đồng mỗi tháng cũng có tỷ lệ tìm thuê nhà đến 42% trong năm qua.

Lý giải, Vars cho rằng giá nhà tăng cao, không có ưu đãi lãi suất là rào cản khiến nhiều người khó mua nhà, đẩy họ vào thị trường thuê. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng tăng lần lượt 72%, 50% và 34% trong 5 năm qua, còn thu nhập trung bình của người dân chỉ tăng khoảng 6-10% mỗi năm và ở mức rất thấp (từ 6,8-8,9 triệu đồng mỗi tháng). Trung bình vay 1,5-2 tỷ đồng mua nhà, hàng tháng người mua phải trả tiền gốc và lãi từ 25-60 triệu đồng, cao hơn 5-10 lần chi phí thuê nhà.

Còn theo Batdongsan, hơn 41% người đi thuê cho biết không đủ tài chính mua, không muốn ràng buộc vì khoản vay mua nhà và giá thuê nhà giá thấp hơn trả lãi suất hàng tháng. Với mức GDP bình quân đầu người ước tính khoảng 9,5 triệu đồng mỗi tháng (2024), một người trẻ (25-40 tuổi) phải tích lũy từ 26 năm để sở hữu căn hộ diện tích 60 m2, giá khoảng 3 tỷ đồng (trong điều kiện lãi suất huy động giả định là 4,5%/năm).

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định việc vay mua nhà với người trẻ vẫn gặp “muôn vàn khó khăn”. Vay là đồng nghĩa phải trả nợ trong 15-25 năm, hoặc phải “bóp mồm bóp miệng” cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác để có thời gian trả nợ ngắn hơn. Chưa kể, lãi suất thả nổi khó dự báo cũng làm nhiều người trẻ không dám vay, chọn ở trọ thay vì sở hữu tài sản.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan nhận định, bên cạnh vấn đề tài chính, tư duy về sở hữu nhà cũng dần thay đổi, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Hiện có khoảng 28% ngưởi thuê nhà cho biết, chọn ở trọ vì thích sự linh hoạt từ việc thay đổi môi trường sống.

Xu hướng gia tăng nhu cầu thuê khiến mảng cho thuê tại Việt Nam ngày càng tiềm năng. Dù vậy, thị trường cho thuê vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành một giải pháp thay thế hoàn toàn cho việc sở hữu nhà.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, phần lớn nguồn cung nhà cho thuê do cá nhân sở hữu và quản lý, chưa có sự tham gia của các chủ đầu tư chuyên nghiệp. Trong khi đó, tại các nước phát triển, mô hình “build-to-rent” (xây dựng để cho thuê) đã trở nên phổ biến, giúp người thuê có nhiều lựa chọn hơn với giá cả hợp lý và dịch vụ tốt hơn.

Việt Nam cũng chưa có chính sách bảo vệ người thuê nhà. Đa số các hợp đồng thuê đều có thời hạn ngắn (6-12 tháng) và không có ràng buộc về điều kiện và mức tăng giá, khiến người thuê phải đối mặt với rủi ro về sự ổn định và quyền lợi. Việc thuê nhà chỉ có thể trở thành một lựa chọn phổ biến khi thị trường cho thuê được phát triển chuyên nghiệp hơn và có sự hỗ trợ từ chính sách tài chính.

Đơn vị này đề xuất nên có quy định pháp luật cụ thể bảo vệ quyền lợi người thuê như giới hạn mức tăng giá thuê mỗi năm và khuyến khích hợp đồng thuê dài hạn. Còn Hiệp hội bất động sản TP HCM mới đây cũng đề xuất, để tăng khả năng sở hữu nhà của người dân, nên có chính sách tín dụng ưu đãi với nhóm người mua nhà lần đầu.

Phương Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories