Chi tiền tỷ tìm kiếm ý tưởng quy hoạch
Năm 2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng , tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là trục không gian đặc trưng hành lang xanh.
Quy hoạch này cho phép hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí mang tính biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại.
Để hiện thực hóa quy hoạch này, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và tạp chí Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch cho công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.
Cuộc thi tiếp tục tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, chất lượng cao về một công viên đa chức năng xứng tầm nằm trên toàn bộ khu vực bãi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Các chuyên gia văn hóa, nhiều kiến trúc sư nhấn mạnh việc xây dựng không gian văn hóa cảnh quan ven bờ sông Hồng không chỉ góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Thủ đô mà còn tạo cơ hội phát triển du lịch.
Trong đó, sản phẩm du lịch đường sông sẽ trở thành một trong những trải nghiệm thú vị.
Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm từ những thành phố lớn trên thế giới như Paris, London, Venice, Seoul, Quảng Châu, Bangkok… đều có chương trình du lịch trên sông độc đáo.
TS Lê Việt Liên (Viện Nghiên cứu Văn hóa) khẳng định Việt Nam là một đất nước với địa hình sông ngòi dày đặc, do vậy du lịch sông nước là sản phẩm không thể thiếu trong các thiết kế tour.
“Với vị thế ngay sát đường chính An Dương Vương và đường sông Hồng, đền Cô Bơ – Bến Bạc hoàn toàn có điều kiện phát triển du lịch cả về đường bộ lẫn đường sông. Ngôi đền đang nằm trong quá trình quy hoạch, mở rộng. Nếu là du lịch đường sông, bãi đất phía trước đền có thể được chỉnh trang thành bến đón khách”, TS Lê Việt Liên đề xuất.
Thạc sĩ, KTS Vũ Hồng Thủy gợi ý tổ chức lại không gian cảnh quan bãi giữa thành các khu vực theo mục đích, nhiệm vụ riêng. Nên chia bãi giữa sông Hồng thành khu vực trung tâm (gần với cầu Long Biên), không gian cây xanh – khu vực trồng cây nông nghiệp, các loại cây chống chịu ngập lụt sông Hồng, không gian văn hóa – giải trí – thư giãn gồm các sàn gỗ nổi phục vụ các hoạt động cắm trại, thể dục, ngắm cảnh, không gian phục vụ…
“Có thể xây dựng thêm một số không gian nổi trên sông, các sân bãi thể dục, giáo dục thể chất, sân khấu thực cảnh với bối cảnh nền là cầu Long Biên và cầu Chương Dương, bến thuyền và tàu thuyền du lịch , các khu nhà nổi trên sông mở bến tầu du lịch từ dòng sông Hồng vào bãi giữa…”, KTS Vũ Hồng Thủy đề xuất.
Hài hòa yếu tố sinh thái và thương mại
KTS. Đoàn Kỳ Thanh – Giám đốc Công ty Kiến trúc Avant – nhấn mạnh không gian tự nhiên của sông Hồng là vùng đất trung tâm, gắn liền với hồn cốt của cả nền văn minh châu thổ từ cổ xưa tới nay. Nếu tại trung tâm của khúc sông Hồng có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, khu vực này sẽ trở thành nơi địa linh, nhân kiệt hội tụ.
“5 hecta tại vị trí trung tâm Thủ đô rất đáng giá. Vì thế, nếu nó được sử dụng cho mục đích tiêu dùng bình thường (như một khu ở hay khu thương mại) sẽ rất lãng phí. Cần dành vùng đất linh địa này cho mục tiêu phát triển vô hạn của cả thành phố cũng như cả đất nước”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nêu.
TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – cho rằng để khai thác, phát triển du lịch tại khu vực bãi giữa sông Hồng, cần xây dựng quy hoạch, đầu tư và quản lý hoạt động tham quan du lịch tại đây một cách bài bản. Đặc biệt cần chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho các hoạt động trong mùa mưa lũ, không làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng.
“Phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên cát ở gần khu vực bãi giữa để tránh làm biến đổi dòng chảy, gây xói lở, sụt lún gây mất an toàn, ảnh hưởng đến hoạt động tham quan khu vực này”, TS Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Ông đề xuất sau khi đầu tư hoàn thiện công viên và các khu chức năng, chính quyền địa phương cần ban hành ngay quy chế quản lý hoạt động cung cấp các dịch vụ và quy định đối với khách tham quan, du lịch, vui chơi giải trí và các hoạt động khác tại khu vực bãi giữa, đồng thời quy định giới hạn số lượng khách, các hoạt động không được tổ chức trên khu vực bãi giữa.
Dựa trên tài nguyên và định hướng phát triển công viên xanh trên khu vực bãi giữa, các nhà quản lý cần tập trung phát triển các loại hình du lịch thân thiện môi trường như du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan tự nhiên, chụp ảnh, ngắm hoa tại các khu vực trồng hoa, trải nghiệm hoạt động canh tác trồng và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp cùng người dân địa phương.
Gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường
Bên cạnh việc phân khu theo chức năng, nhiệm vụ ở khu vực bãi giữa, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường. Muốn như vậy Hà Nội cần khắc phục triệt để tình trạng xả nước thải, chất thải trực tiếp ra sông Hồng khu vực bãi giữa và xung quanh.
TS Nguyễn Anh Tuấn đề xuất quy hoạch lại khu vực dân cư sinh sống bên bờ sông Hồng bởi khu vực này hiện nay có nhiều nhà tạm lụp xụp, rác thải làm mất mỹ quan chung của khu vực trung tâm Thủ đô.