Đánh thức sông Sài Gòn, khai phá tiềm năng cho Củ Chi
Tại hội thảo tham vấn định hướng phát triển kinh tế – xã hội TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) giai đoạn 2026 – 2030 do UBND TPHCM tổ chức ngày 24/8, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhấn mạnh cần phải bổ sung vào quy hoạch TPHCM tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn, kết nối Bình Dương đến Tây Ninh tạo thành một tuyến du lịch xuyên suốt với vùng Đông Nam Bộ”.
Ông Châu cũng cho rằng, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối thẳng qua Củ Chi đến trung tâm du lịch núi Bà Đen – Tây Ninh sẽ mở ra hướng mới để phát triển, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ. Việc phát triển đại lộ ven sông Sài Gòn cũng sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất dọc sông Sài Gòn, giúp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển.
“Hiện TPHCM đang quy hoạch 88 tuyến đường sông, tôi đề nghị việc quy hoạch các tuyến đường thủy này phải được khớp nối với các tuyến đường bộ – đường sắt – cao tốc theo mô hình TOD (đô thị dựa theo hệ thống giao thông công cộng) tạo nên một tổng thể phát triển giao thông toàn diện. Đây sẽ là điều kiện để phát triển thành phố bên sông, phát triển các khu phức hợp đa chức năng, bán lẻ giải trí, công viên công cộng hay là thúc đẩy du lịch sinh thái, du thuyền, lễ hội văn hóa”, ông Châu cho biết.
Cùng quan điểm với ông Châu, KTS Khương Văn Mười – nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cũng cho rằng: Để định hướng phát triển TPHCM trở thành trung tâm kinh tế tài chính thì chúng ta phải tập trung vào những loại hình tiềm năng đã có, hiện có sẵn để khai thác phục vụ phát triển kinh tế. Cách đây mười mấy năm, khách nước ngoài đến sông Sài Gòn thuê những chiếc tàu gỗ để đi lên thượng nguồn chơi, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Do đó TPHCM cần tổ chức những hoạt động du lịch, dịch vụ dọc bờ sông Sài Gòn tạo không khí văn hóa du lịch, kéo dài thời gian trải nghiệm trong 1 ngày cho du khách để mang lại giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Và muốn làm được thì phải xã hội hóa.
“Phải có quy hoạch dài hơi hai bên bờ sông Sài Gòn. Trong đó quy hoạch trục sông Sài Gòn – Củ Chi – Tây Ninh có tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch, liên kết với khu vực núi Bà Đen. Từ sông Sài Gòn lên đến Củ Chi có tiềm năng rất lớn. Chúng ta có cả một lịch sử hình thành, đấu tranh và phải quảng bá cho cả thế giới đều biết. Chúng ta đang có tiềm năng chúng ta phải khai thác”, ông Mười phân tích.
Hiến kế phát triển cho TPHCM, ông Nguyễn Hồng Hải – KTS Tập đoàn Becamex đánh giá: vùng Đông Nam Bộ là mặt tiền quốc gia, là cửa khẩu, cánh cổng đi ra quốc tế, là điểm kết của hành lang kinh tế xuyên Á. Bởi vậy vai trò vùng Đông Nam Bộ nhìn rộng ra quốc tế đặc biệt quan trọng. Khu vực này luôn đóng góp đến khoảng 40% GDP.
Quan sát lại vùng đồng bằng sông Hồng, trong 10 năm qua đã đầu tư rất nhiều cho giao thông và liên kết vùng, nhờ đó đồng bằng sông Hồng liên tục trên 10 năm tăng trưởng trên 10%. Cho nên vùng Đông Nam Bộ có dư địa rất lớn để phát triển liên kết vùng.
“Chúng ta thấy là nếu khai thác được liên kết vùng tốt thì những thứ địa phương này cần, địa phương kia sẽ có. Bằng cách khai thác vùng TPHCM sẽ khai thác mạnh giá trị về dịch vụ, thương mại, du lịch và logistics rất tốt. Khi các tỉnh càng tăng trưởng thì TPHCM sẽ càng tăng tốc. Cho nên đây là thế mạnh vùng mà TPHCM nên khai thác”, ông Nguyễn Hồng Hải nói.
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Becamex cũng đồng tình cho rằng TPHCM cần phát huy giá trị của dòng sông Sài Gòn. “Chúng ta luôn có thể phát triển đô thị song song phát triển du lịch tạo nên sự cộng hưởng hai bên bờ sông. Điều này sẽ giúp hạn chế câu chuyện sử dụng giao thông cá nhân bằng những phương tiện giao thông như đường thủy, cầu đi bộ, đường sắt… Nếu phát triển được hai bên bờ sông Sài Gòn như những thành phố có sông như New York, Paris, London… sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội cho TPHCM giai đoạn 2026-2030”, ông Hải khẳng định.
Kết nối trung tâm TPHCM qua Củ Chi đến Tây Ninh bằng đại lộ 4-10 làn xe
Bàn về hạ tầng TPHCM giai đoạn 2026-2030, TS Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia kiến nghị, cần tập trung đề xuất cơ chế đặc thù để đẩy nhanh đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó trọng tâm là triển khai xây dựng đường sắt đô thị; hoàn thiện thể chế quản lý hướng tới mô hình chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả… “Phải đổi mới tư duy, giải bài toán ngược với cơ chế khác, cách làm khác thì mới đạt kỳ vọng tầm nhìn phát triển đến năm 2045”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đóng góp ý tưởng cho sự phát triển của TPHCM hướng tới mục tiêu lớn – một siêu đô thị toàn cầu, ông Hoàng Anh Tú – Giám đốc dự án Tập đoàn BCG Việt Nam cho rằng: Cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng, phát triển đại lộ và đường sắt đô thị ven sông để hỗ trợ kết nối cho TPHCM.
“TPHCM có rất nhiều tiềm năng để làm tốt hơn nữa việc kết nối với các điểm đến vệ tinh xung quanh. Một trong những dự án mà chúng ta có thể cân nhắc và nhìn thấy hiệu quả rất là tích cực đầu tư tuyến đại lộ từ 4 – 10 làn xe, gồm hỗn hợp đường bộ, đường sắt đô thị kết nối từ TPHCM qua Củ Chi lên núi Bà Đen, Tây Ninh. Việc đầu tư kết hợp đường bộ, đường sắt là cần thiết, bắt kịp xu thế của các đại đô thị phát triển trên thế giới. Từ đó có thể mở ra được các hướng phát triển đô thị, thương mại, du lịch với điểm nhấn là sông nước, xóa được những điểm nghẽn, phát huy tiềm năng cho Củ Chi và kết nối đối với TPHCM tốt hơn”, ông Hoàng Anh Tú đề xuất.
Phân tích kỹ hơn về phát triển hạ tầng giao thông, đại diện BCG Việt Nam cho rằng, nếu cứ làm đường nhỏ thì vài năm lại quá tải bởi xu thế đô thị hóa nhanh, rồi lại phải mở rộng, làm lại… Việc mở rộng đường đã quy hoạch không chỉ tốn kém chi phí hạ tầng mà chi phí đền bù, giải tỏa sẽ rất lớn, và thường ngân sách sẽ không đảm bảo xử lý được. Vì vậy tốt nhất là nghiên cứu ngay từ thời điểm đầu tiên, đưa vào quy hoạch. Như vậy quy hoạch có tầm nhìn xa hơn, dài hơn, phù hợp với sự phát triển vượt bậc của đô thị trong tương lai với mật độ dân cư cao hơn, nhu cầu đi lại tăng mạnh.
Theo ông Hoàng Anh Tú, với tầm nhìn đưa TPHCM thành siêu đô thị toàn cầu để nâng tầm giá trị Việt Nam thì sẽ không thể trông chờ từ nguồn vốn Nhà nước mà cần phải có sự cộng hưởng của khối công và khối tư nhân. “Tức là ngoài nguồn vốn đầu tư công cần phải xã hội hóa để chung tay, nhất là huy động những tập đoàn lớn trong nước dẫn dắt đi đầu bằng những dự án bài bản, quy mô, đẳng cấp để tạo chất xúc tác cho sự phát triển bền vững của các địa phương”, ông Tú khẳng định.