Nội dung trên được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu khi cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/8.
Ông Nguyễn Trường Giang cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đợt giám sát về phòng cháy, chữa cháy, nhưng đến nay, số cơ sở vi phạm trong lĩnh vực này đã tăng lên so với thời điểm thực hiện giám sát.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn báo cáo của Bộ Công an đến nay mới chỉ xử lý được 1.487 trên tổng số 7.187 công trình vi phạm ở 35 địa phương. Với các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng, mới khắc phục được 2.964 trên tổng số 11.007 công trình.
“Có những công trình không thể khắc phục được, ví dụ như nhà HH Linh Đàm. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống giám sát, tôi có hỏi người dân, họ bảo ngày nào cũng có báo cháy vì hàng chục tòa nhà liền kề như thế, không biết xử lý thế nào”, ông Nguyễn Trường Giang nêu thực tế.
Đại diện Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định phải rất thực tế và phải có khoảng thời gian nhất định để xử lý.
Ông Nguyễn Trường Giang dẫn ví dụ với công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, khi luật có hiệu lực, cần có thời hạn nhất định để khắc phục tối thiểu những công trình này, nếu không sẽ phải dừng hoạt động hết.
Vẫn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, quy định trong dự thảo về phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh còn chưa rõ ràng, có thể gây khó cho cả cơ quan thực thi pháp luật và người dân.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay về phòng cháy đối với nhà ở, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với 2 loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.
Liên quan đến vấn đề phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện, ông Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn (trong đó bao gồm cả yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy) trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện lực, nhất là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong sử dụng, lắp đặt, kiểm soát an toàn điện sau công tơ còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm, kéo theo nguy cơ cháy, nổ do điện. Những nội dung này cần phải được điều chỉnh một cách tổng thể trong dự thảo Luật Điện lực dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện an toàn nói chung, điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy nói riêng vào dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cơ bản trong việc lắp đặt, sử dụng điện là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.