Trên đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc cho ý kiến hoàn thiện 3 dự thảo Nghị định quy định về: điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định chi tiết về đất trồng lúa. Cuộc họp diễn ra chiều 18/6, tại Trụ sở Chính phủ.
Không đẩy việc khó xuống địa phương
Tại cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình về một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất liên quan đến thanh lý tài sản, vật liệu còn lại sau khi phá dỡ công trình nhà ở, công trình kỹ thuật là tài sản công; ứng trước tiền của nhà đầu tư cho đơn vị hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư…
Đại diện Bộ Tài chính thống nhất với phương án tiếp thu, chỉnh sửa của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định giải quyết vật tư, vật liệu, tài sản thu hồi còn sử dụng được sau khi phá dỡ nhà, công trình xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật là tài sản công như thanh lý tài sản nhà nước.
Về cơ chế ứng tiền giải phóng mặt bằng của nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài chính đề nghị, dự thảo Nghị định cần nêu rõ, nơi nhận tại tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với chính sách bố trí tái định cư, hiện dự thảo Nghị định mới quy định về đất tái định cư, nhà tái định cư. Trong khi đó, nhiều địa phương rất mong muốn thí điểm sử dụng nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Khánh Hòa…
Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, đại diện UBND các địa phương này đề nghị cho phép, hộ dân thuộc diện được bồi thường, tái định cư nhưng địa phương không có quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, được ưu tiên mua nhà ở xã hội; sử dụng ngân sách nhà nước mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khi giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư công; phương án xử lý tình huống nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích lớn hơn diện tích suất tái định cư tối thiểu…
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết kế điều khoản phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm về lập dự toán, phê duyệt, sử dụng, quyết toán chi tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, “cụ thể, khả thi, không đẩy việc khó xuống địa phương”.
“Cơ quan soạn thảo phải đưa thực tiễn vào văn bản để tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Lưu ý phải tính đến đối tượng không đủ điều kiện để bồi thường, bố trí tái định cư”, Phó Thủ tướng nói.
Thay đổi tư duy, phương pháp điều tra, đo đạc đất đai
Liên quan đến dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai, các ý kiến cũng thảo luận về cơ sở pháp lý đối với quy định mở rộng đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất khi được cấp giấy chứng nhận lần đầu; thẩm quyền quy định chi tiết quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh hướng dẫn triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai…
Nhấn mạnh quan điểm thay đổi tư duy, phương pháp, công nghệ điều tra cơ bản đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Nghị định cần quy định rõ chỉ tiêu cơ bản cần điều tra, tránh làm tràn lan, không đủ nguồn lực, thiếu hiệu quả. “Dữ liệu thu thập từ quá trình điều tra, cập nhật hồ sơ địa chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai phải là thông tin sống và chính xác. Mọi thông tin, dữ liệu đất đai bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho địa phương như thời hạn hoàn thành thủ tục đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận… đáp ứng yêu cầu chính đáng của người sử dụng đất.
Đối với Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đây là lần đầu tiên, các chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa được đưa vào luật. Vì vậy, Nghị định phải thể chế hóa thành những quy định cụ thể, thiết thực, toàn diện để giúp người nông dân “sống được từ đất lúa”, đứng vững trước biến động của thiên tai, thị trường.
Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa phải giải quyết những “bài toán lớn” về hệ thống thủy lợi, đặt hàng nghiên cứu giống mới, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sắp xếp lại ruộng đồng để cơ giới hóa, thu hồi đất lúa bị bỏ hoang hóa, trang bị cho người nông dân kiến thức canh tác nông nghiệp hiện đại… trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các hệ sinh thái khác nhau.