Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 cho phù hợp với thực tế.
Hiện nay, quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng là phải phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, do đó rất khó thực hiện bởi vì để phủ kín 100% quy hoạch chi tiết phải có lộ trình và phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực của địa phương. Nếu chờ phải có quy hoạch chi tiết mới cấp phép xây dựng sẽ làm trì trệ phát triển kinh tế – xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 thì một trong các điều kiện cấp giấy phép xây dựng là “Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”.
Quy định này đã được Chính phủ hướng dẫn thực hiện tại Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và quy định tại Khoản 12 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định điều kiện phù hợp với quy hoạch trong một số trường hợp:
“a) Đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng và theo quy định, dự án đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác thì quy hoạch xây dựng và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành này là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng;
b) Đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng thì quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan hoặc thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý kiến trúc hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về vị trí và tổng mặt bằng (đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị) là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng”.
Như vậy, quy định hiện hành về cấp giấy phép xây dựng đã có các quy định mở thay vì chỉ phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết được duyệt.
Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP (dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2024).