Cụ thể, tại 24 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai, có 373 lô đất có dấu hiệu bất thường. Trong đó, hàng trăm lô đất trúng đấu giá với giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng giá chuyển nhượng chỉ từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng. Cá biệt, có lô đất trúng đấu giá 4,2 tỷ đồng nhưng lại được chuyển nhượng với giá chỉ 50 triệu đồng.
Cơ quan thanh tra xác định, cơ quan thuế chỉ căn cứ vào giá trị ghi trong hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá trong bảng giá đất của UBND tỉnh để tính thuế, mà không dựa vào kết quả trúng đấu giá. Điều này đã dẫn đến việc kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị trúng đấu giá, có dấu hiệu không trung thực.
Ngoài ra, tại huyện Chư Sê, có hiện tượng UBND huyện cho phép một vài cá nhân nợ hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất sau khi trúng đấu giá tại dự án Khu quy hoạch trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê.
Năm 2019, tại dự án này, bà Hồ Thị Hiền (Pleiku) trúng đấu giá 107 lô đất, trong đó có 61 lô chậm nộp tiền đến 140 ngày; ông Nguyễn Xuân Ánh (Pleiku) trúng đấu giá 44 lô, chậm nộp trên 300 ngày; và ông Lê Viết Đức trúng đấu giá 54 lô, chậm nộp trên 100 ngày.
Tuy nhiên, UBND huyện Chư Sê đã buông lỏng quản lý, không hủy kết quả đấu giá và không thu tiền đặt cọc (khoảng hơn 15 tỷ đồng) theo quy chế. Ngược lại, cơ quan này còn cho phép gia hạn thời gian nộp tiền trúng đấu giá.
Tới nay, nhiều lô đất đã được chuyển nhượng cho các hộ gia đình, cá nhân khác. Cơ quan thanh tra yêu cầu các địa phương và cơ quan thuế thực hiện rà soát 373 trường hợp kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị trúng đấu giá để chống thất thu thuế.
Nếu phát hiện vi phạm pháp luật hình sự, hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. Đồng thời, yêu cầu thu tiền đặt cọc đối với các lô đất trúng đấu giá có vi phạm quy chế.