Từ những thương vụ tỉ đô…
Thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã hiện diện rõ nét hơn ở nhiều phân khúc bất động sản, với số lượng và quy mô đầu tư ngày càng mở rộng tại Việt Nam.
Đáng nói, động thái liên doanh với các doanh nghiệp Việt và rót hàng trăm triệu đến hàng tỉ đô la để phát triển dự án nhà ở thể hiện mức độ quan tâm “bạo tay” của Nhật, không kém cạnh các nhà đầu tư lâu năm của Việt Nam như Singapore, Hong Long, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Mới đây nhất, 2 đối tác Nhật là Cosmos Initia (thành viên Daiwa House Group) và Koterasu Group liên doanh với TT Capital để phát triển 2.000 căn hộ TT AVIO ngay trung tâm TP.Dĩ An (Bình Dương). Theo đó, 2 doanh nghiệp Nhật này đầu tư khoảng 150 triệu USD cho TT Capital trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ giá vừa túi tiền, tiêu chuẩn Nhật. Vừa qua, dự án đã chính thức khởi công đánh dấu mốc “hợp tác” đầu tiên giữa các bên tại thị trường Việt Nam.
Được biết, Công ty Cosmos Initia được thành lập vào năm 1969, kinh doanh chính tại thị trường Nhật Bản và nhiều Quốc gia nổi tiếng như Australia, Hòa Kỳ… Tính đến thời điểm hiện tại, Cosmos Initia đã ghi dấu ấn với gần 2.000 dự án, phát triển thành công với hơn 100.000 căn hộ chung cư. Lần hợp tác này, Cosmos Initia không chỉ tham gia đầu tư tài chính mà với kinh nghiệm lâu năm trên thị trường bất động sản, Cosmos Initia còn tham gia toàn bộ quá trình xây dựng, thiết kế. Ở đó, nhiều giải pháp, ý tưởng tiên tiến nhất được vận dụng mang đến sản phẩm chất lượng.
Trong quý 2/2024, thị trường bất động sản cũng chứng kiến “cú bắt tay” giữa Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) với 4 ông nhà đầu tư Nhật là NTT Urban Development, Sumitomo Forestry và Kumagai Gumi Co Ltd để phát triển dự án The One World quy mô 50ha tại Bình Dương. Doanh nghiệp Nhật tham gia rót vốn đầu tư với tổng 49% cổ phần vào dự án.
Hay, doanh nghiệp Nhật Bản Nishi Nippon Railroad mới đây đã mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD.
Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) cũng ký kết hợp tác đầu tư phát triển các dự án bất động sản. Dự án khởi đầu tọa lạc tại Tp.Thủ Đức có tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.
Tại Hà Nội và các địa phương khác, nhà đầu tư Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới nhu cầu ở của người mua khi chọn một số đối tác Việt Nam đầu tư vào các dự án như The Manor Central Park, căn hộ cao cấp Hiyori Garden Tower…
Ghi nhận cho thấy, quá trình tham gia vào thị trường bất động Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật ngày càng sâu rộng. Nếu trước đây, hầu hết là mua lại và phân phối thì hiện nay các ông lớn Nhật tìm dự án để bắt tay vào trực tiếp đầu tư. Trong đó, Nhật không chỉ tham gia đầu tư tài chính còn tham gia toàn bộ quá trình xây dựng, thiết kế dự án, thẩm định dự án…
…Đến kế hoạch lấn sân phân khúc căn hộ giá mềm
Động thái Nhật liên tục “ngó” thị trường bất động sản Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì đâu?
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam cho rằng, khối ngoại vẫn luôn “nhạy bén” trong việc quan sát những chuyển động tiếp theo của thị trường Việt Nam, nhất là sau khi 3 bộ Luật có hiệu lực. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản làm nhà giá rẻ. Hướng đi của dòng vốn vì thế cũng chịu sự thay đổi trực tiếp từ thị trường.
Vậy nên, theo bà Trang không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều quỹ đầu tư, trong đó có các ông lớn Nhật nhắm đến phân khúc nhà giá vừa túi tiền tại thị trường Việt Nam, đây vốn là dòng sản phẩm có thanh khoản tốt nhất thị trường. Không chỉ Nhật mà Singapore, Thái Lan, Trung Quốc cũng thuộc nhóm quan tâm nhiều nhất đến phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa của Nhật Bản đã không còn nhiều dư địa để phát triển khi dân số ngày càng giảm, dân số già, trong khi Việt Nam lại có tiềm năng phát triển rất lớn. Ngoài lợi thế về dân số trẻ, ưu đãi về thuế, nhu cầu nhà ở cao thì tình hình chính trị ổn định là các yếu tố khiến doanh nghiệp Nhật đánh giá cao khi nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.
Trước đây, doanh nghiệp Nhật Bản khá ưa thích các phân khúc như bất động sản công nghiệp (khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi) và mặt bằng bán lẻ. Đến nay, phân khúc bất động sản khu đô thị và căn hộ giá vừa túi tiền lại được Nhật “để tâm” nhiều hơn. Lý do, thị hiếu và nhu cầu của người trẻ, gia đình trẻ tại Việt Nam với bất động sản giá mềm được Nhật đánh giá còn rất lớn, ít nhất có dư địa phát triển trong 10 năm tới. Chưa kể, đây cũng là loại hình ít rủi ro, thu hồi vốn nhanh và thủ tục pháp lý không quá phức tạp.
“Vốn vay ở Nhật Bản rất rẻ, lãi suất siêu thấp duy trì ổn định trong hàng chục năm qua cũng là lý do Nhật tìm thị trường mới như Việt Nam để đầu tư, mở rộng danh mục”, bà Trang Bùi cho hay.
Cùng quan điểm, đại diện JLL Việt Nam cho hay, hiện tại đang có hàng trăm triệu đô la đang chờ được đầu tư vào thị trường Việt Nam ở hầu hết các phân khúc bất động sản. Trong đó, nhà ở giá mềm vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên, trong đó có Nhật Bản.
Đơn vị này cho hay, trong vòng 2 thập kỉ tới, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số vàng. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất gia tăng, 25% dân số nằm trong độ tuổi từ 10 – 24, độ tuổi trung bình là khoảng 30 tuổi.
Trong đó, thế hệ “millennial” được kỳ vọng sẽ là tầng lớp thúc đẩy cho phân khúc nhà ở bình dân, trung cấp trong những năm tiếp theo, đặc biệt là tại những khu dân cư nằm gần các khu công nghiệp có kết nối thuận tiện đến các trục đường chính.
Mới đây, khi chia sẻ về phân khúc lựa chọn đầu tư, ông Shin Ogawa, đại diện Cosmos Initia cho rằng, khi tìm đối tác đầu tư, chúng tôi ưu tiên tập trung vào phân khúc giá tầm trung. Doanh nghiệp từng làm điều này ở Nhật Bản và sức cầu mang lại rất tích cực. “Dù ở thị trường nào, nhu cầu về chỗ ở thực, chất lượng vẫn là tiêu chí “bất di bất dịch” mà người mua quan tâm. Vì thế, bỏ tiền đầu tư vào phân khúc này sẽ yên tâm”, vị này khẳng định.