Thứ Tư, Tháng 4 23, 2025

Sau sáp nhập, dự kiến có 1.499 người từ Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc

-

Theo Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, sau khi sáp nhập tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, tỉnh sẽ sắp xếp cho một bộ phận tiếp tục làm việc tại Ninh Thuận để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian đầu.

Dự kiến có 1.499 người từ Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc

Tại hội nghị hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận vào chiều ngày 22/4, ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, cho biết: Dự kiến, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Ninh Thuận ra Khánh Hòa làm việc sau khi sáp nhập là 1.449 người. Trong đó khối Đảng, đoàn thể dự kiến là 350 người, khối chính quyền dự kiến là 1.099 người.

Sau sáp nhập, dự kiến có 1.499 người từ Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc- Ảnh 1.

Ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa. Ảnh: B.L.

Theo ông Nhân, quan điểm chung của trung ương cũng như của tỉnh là phải đảm bảo cho 100% cán bộ, công chức, viên chức có trụ sở làm việc, trang thiết bị, đảm bảo điều kiện làm việc theo quy định. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang quản lý 468 trụ sở của các sở, ban ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó dôi dư 49 cơ sở. Đối với nhà ở công vụ tại tỉnh Khánh Hòa, hiện Nhà khách Tỉnh ủy có 12 căn, nhà ở công vụ và quỹ nhà ở khác đang quản lý là 38 căn và một số cơ sở nhà đất tại TP. Nha Trang do Quỹ đầu tư phát triển tỉnh quản lý có thể thu hồi làm trụ sở cơ quan hoặc nhà ở công vụ.

Đối với tỉnh Ninh Thuận hiện có Nhà khách UBND tỉnh là nơi vừa hoạt động chính trị vừa hoạt động cho khách du lịch, tổng cộng 45 phòng nghỉ, 1 phòng VIP và một nhà hàng. Thứ hai là Nhà công vụ của Tỉnh ủy, nơi này cũng vừa hoạt động cho chính trị vừa hoạt động cho khách du lịch, tổng cộng có 7 phòng để làm nơi ở cho cán bộ khi đi công tác.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa, trụ sở làm việc chung của Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu quốc hội, HĐND, UBND tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2025. Bên cạnh xây trụ sở mới, tỉnh cũng cải tạo lại trụ sở làm việc hiện nay của Tỉnh ủy Khánh Hòa để làm nơi làm việc cho các cơ quan Đảng của tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa.

Sau sáp nhập, dự kiến có 1.499 người từ Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa.

Đối với trụ sở làm việc của các sở, ban ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, hiện đang có dự đầu tư trụ sở chung cho các cơ quan này với quy mô phục vụ cho 1.200 người, diện tích 9,2ha và tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Dự án này đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư, nhưng hiện tỉnh đang tính toán lại quy mô đầu tư để đảm bảo nơi làm việc sau khi hai tỉnh hợp nhất, dự kiến dự án này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 5/2027.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính Khánh Hòa cũng đang rà soát các trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp tại các xã, phường ở TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh. Trong trường hợp cần thiết thì có thể lập phương án cải tạo, sửa chữa để làm trụ sở làm việc cho các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng.

Sẽ tiếp tục bố trí cán bộ làm việc tại Ninh Thuận

Theo ông Châu Ngô Anh Nhân, đối với trụ sở hành chính của các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh tại Ninh Thuận, định hướng sẽ sắp xếp cho một bộ phận thường xuyên tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, Sở bố trí 1 – 2 cấp phó của các cơ quan chuyên môn làm việc tại các trụ sở này để chỉ đạo cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa cũng cho biết, về tiêu chuẩn định mức nhà ở công vụ đối với lãnh đạo sở và tương đương thì đã có quy định. Đối với các chức danh lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành sẽ được bố trí ở tại Nhà khách Tỉnh ủy, số 2 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang.

Sau sáp nhập, dự kiến có 1.499 người từ Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc- Ảnh 3.

Khánh Hòa sẽ rà soát các trụ sở dôi dư để bố trí cho các cơ quan làm việc.

Đối với nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức khác không đủ điều kiện ở nhà công vụ theo quy định, Sở xây dựng sẽ phối hợp Sở Tài chính Khánh Hòa sẽ căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan Trung ương và khả năng cân đối ngân sách của địa phương để tham mưu UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền ban hành mức hỗ trợ bằng tiền để ổn định chỗ ở, đảm bảo công tác và sinh hoạt.

Đối với phương tiện cho cán bộ, công chức, viên chức từ Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc, tỉnh đưa ra 4 phương án để cán bộ, công chức, viên chức có thể lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng cá nhân. Thứ nhất là xe công vụ, hỗ trợ đưa đón hàng tuần, một chiều đi và một chiều về. Thứ hai là tự túc đi xe cá nhân và được hỗ trợ kinh phí di chuyển. Thứ ba là dùng xe buýt theo lộ trình cố định do UBND tỉnh sắp xếp. Thứ tư là sử dụng tàu hỏa và được hỗ trợ kinh phí di chuyển. Căn cứ nhu cầu thực tế, UBND tỉnh sẽ trao đổi với các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt bố trí xe cố định hàng ngày để cán bộ, công chức viên chức có thể sử dụng.

Thông tin thêm về nhà ở công vụ cho cán bộ, ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết: Văn phòng Trung ương Đảng đã đồng ý bố trí 90 phòng tại Nhà khách T78, TP. Nha Trang để phục vụ cho cán bộ từ Ninh Thuận ra công tác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories